Cuộc sống

Tâm sự của bà chủ nhà 'ghê gớm' bất đắc dĩ

Tôi cũng muốn giống như nhiều người phụ nữ khác, mong muốn được chồng chia sẻ gánh nặng gia đình. Thế nhưng số phận khiến tôi phải đóng vai trò làm chồng…

Tôi là một phụ nữ có vẻ ngoài thập phần nữ tính, mọi người nói tôi xinh đẹp nhưng sắc xảo. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, gia đình có truyền thống buôn bán khá giả, bản thân lại là một thợ làm tóc khá danh tiếng, nhưng tôi vẫn giữ được nguyên một mái tóc dày, dài quá thắt lưng, thẳng và đen mượt, không uốn hay nhuộm.

Tôi lấy chồng từ khi còn khá trẻ. Chồng tôi sinh ra trong gia đình cán bộ nòng cốt, hơn tôi 8 tuổi, có ngoại hình cao ráo, trắng trẻo. Làm việc tại một văn phòng bộ lớn, ai gặp chồng tôi cũng có ấn tượng là một người trầm ổn, hiền lành, gia giáo và rất thương vợ thương con.

Sau khi cưới, chúng tôi được bố mẹ chồng mua cho một căn hộ tập thể ở riêng. Lý do của các cụ là không hợp mệnh với chồng tôi, nên cho hai người ở riêng, còn các cụ ở với cậu em trai. Nhưng chính thế lại đúng vừa ý tôi, hầu hết cô dâu mới nào cũng mong như vậy.

Chuyện nhà cửa ổn định, còn lại mọi thứ tôi không hề lo lắng. Tôi lúc đó sở hữu tới 2 tiệm tóc lớn, thu nhập gấp hơn 10 lần đồng lương cán bộ của chồng. Tôi hoàn toàn có thể đảm đương toàn bộ chi phí gia đình vì vậy cũng không quá để ý đến việc quản lý chút tiền lương ít ỏi của chồng. Vả lại như chồng tôi nói, anh ấy làm nhà nước, cần phải có bè bạn, đồng nghiệp giao lưu. Tôi nghĩ chút tiền lương của anh tính ra còn không đủ nên cũng không hỏi tiền anh bao giờ.

ba chu nha bat dac di
Có người chồng ỷ lại, vô trách nhiệm là nỗi khổ của người phụ nữ.

Nhưng có lẽ từ đó mà phần kinh tế anh ỷ lại hoàn toàn vào tôi. Dần dần, không chỉ về tiền nong mà cả về giao tiếp nội ngoại hai bên, chăm sóc con cái, lo lắng cho chúng học hành… tôi đều do tôi ở giữa chu toàn. Mọi người khen tôi khôn khéo, giỏi giao tiếp, nhưng có biết đâu rằng nhiều khi tôi thực bất đắc dĩ.

Tôi ban đầu chỉ muốn làm hậu phương vững chắc cho chồng để anh có cơ hội phấn đấu phát triển nghiệp vụ, hướng vị trí cao đi dần lên. Nhưng rồi bao nhiêu năm, trong khi những người cùng thế hệ anh đều đã thành đạt, thậm chí lớp đàn em cũng có thành tích thì anh vẫn chỉ là một cán bộ bình thường. Không dưới một lần tôi nghe được những nhận xét như “năng lực kém”, “khả năng không có”, “làm người bảo thủ”, “giao tiếp cứng nhắc”… từ đồng nghiệp, lãnh đạo của chồng.

Rồi dần dần tôi nhận thấy, cùng cơ quan chồng, có rất nhiều người đi làm vẫn đưa lương về nuôi gia đình vậy mà họ vẫn sống rất ổn. Những lần cơ quan giao lưu, đi chơi chung với người nhà trong cơ quan, người nào cũng rất lo lắng chăm sóc chiếu cố vợ, con nhỏ…

Còn tôi, lúc nào cũng bị mọi người nửa đùa nửa thật nói: “Chị bắt nạt ông ấy ít thôi chứ”, “Anh ấy hiền lành thế, chị quản lỏng tí cho anh em dễ thở”… Tôi mới biết chồng tôi cũng chẳng hay tụ tập cùng chúng bạn như anh hay nói. Tiền lương của anh theo thâm niên công tác, rồi nhà nước nhiều lần điều chỉnh cũng không phải là ít. Bao năm nay không đưa lương về gia đình, bản thân anh ấy cũng không có nghiện ngập rượu chè, ít đàn đúm… vậy thì tiền đó đi đâu?

Khi ở nhà, kể cả tiền mua sữa bánh cho con, chỉ vài chục ngàn, anh cũng lấy của tôi. Mỗi khi có ốm đau, muốn mua sắm cái gì là anh lại lấy tiền của tôi. Ngày lễ ngày tết, tôi phải tự sắm sửa quà biếu bên nội (mà phải thật hậu không bố mẹ chồng không vừa lòng), bên ngoại, xã giao. Xây nhà mới, sắm sửa đồ đạc cũng một tay tôi lo liệu và bỏ tiền.

Biết tính chồng mình, tôi có thể chấp nhận việc anh không khôn khéo, trong nhà không được lòng bố mẹ ruột khiến tôi và các con cũng bị vạ lây, không kiếm được nhiều tiền, không chịu làm việc nhà… nhưng tôi không thể chấp nhận việc anh vô trách nhiệm với ngay cả con đẻ của mình. Bình thường học hành hàng ngày của các con, anh ta chẳng đoái hoài tới thì thôi, ngay cả những thời khắc mấu chốt như thi chuyển cấp, thi đại học… anh ta cũng mặc kệ.

Lo lắng cho xin việc sau này, tôi yêu cầu chồng cố vấn cho các con ngành nghề học phù hợp thì anh ta tuyên bố thẳng thừng: “Chúng nó/cô muốn làm gì thì làm, tôi không có khả năng xin việc cho chúng nó đâu”. Chẳng lẽ tôi lại bảo thẳng vào mặt anh ta là: “Nếu anh không phải là bố đẻ chúng nó hoặc đã chết, tôi hoàn toàn có thể lo liệu cho các con tử tế!”.

Dạo gần đây, có tin là chồng tôi sắp được lên chức phó phòng. Vậy là anh ta lập tức lên mặt với tôi, yêu cầu tôi lo tiền biếu xếp, rồi công khai chi tiêu hàng ngày với chồng… Thật không còn lời gì để nói!

Mặc dù tôi không đáp ứng những yêu cầu vô lý đó của anh ta, nhưng tôi cảm thấy mình sống thật uất ức. Trước mặt mọi người trước đây, tôi vẫn phải đóng vai một người vợ hạnh phúc nhưng hiện tại tôi nghĩ mình phải suy nghĩ lại. Tôi không muốn chịu mang tiếng “ghê gớm”, “bắt nạt chồng” này thêm nữa. Cần để cho mọi người thấy được sự thật, để chồng tôi, dù đã muộn, phải đối mặt (một phần) trách nhiệm với gia đình.

Phụ nữ chúng tôi thật ra không ai ham hố “chỉ huy” chồng như mọi người vẫn nghĩ. Có điều ở vào hoàn cảnh không thể đừng được, phải gồng người đứng lên chống trụ gia đình. Điều này chỉ người trong cuộc mới hiểu được sâu sắc đắng cay.

Tác giả bài viết: NGUYỄN THANH B. (Hai Bà Trưng - Hà Nội)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP