Kinh tế

Tài xế xe ôm công nghệ kiếm tiền triệu mỗi ngày

Kiếm tiền mùa dịch không dễ, nhưng nhiều tài xế xe ôm công nghệ vẫn thu về cả triệu bạc mỗi ngày.

“Thợ săn” tiền thưởng

Chuông báo thức lúc 6h30 phút, anh Thanh Tùng – đối tác tài xế Gojek tại Hà Nội tỉnh dậy, làm thủ tục buổi sáng rồi thong dong cùng chiếc Wave “thần thánh” ra đường. Ra đến đầu ngõ, điện thoại rung, đơn “nổ”, anh gọi điện cho khách xác nhận đơn hàng rồi mỉm cười vặn nhẹ tay ga.

Đơn hàng đầu tiên trong ngày của anh là đơn GoFood, đặt mua xôi ở phố Đê La Thành để giao tới cổng Bệnh viện Nhi Trung ương. Người nhận đơn là một phụ nữ lớn tuổi, mang đồ cho cháu nội đang điều trị trong viện. Giao hàng cho khách xong, anh Tùng từ tốn cảm ơn khách rồi quay ngược ra hướng Hào Nam. Đơn lại nổ, khách đặt 10 cốc cà phê tới một toà nhà trên phố Cát Linh. Chiếc xe Wave cùng bóng áo xanh hoà vào dòng người bắt đầu đông dần giờ cao điểm.

“Phải đến 9h sáng mới vãn khách đặt đồ ăn đồ uống buổi sáng” - anh Tùng nói – “Sau đó đến giờ của GoSend (giao hàng). Mà dân công sở đặt gửi đồ nhiều lắm, có những người đến chỗ làm nhớ ra quên đồ, lại gọi Gojek giao. Từ hơn 11h đến 13h và 18h đổ ra lại quay lại là giờ cao điểm của đơn GoFood (giao đồ ăn trực tuyến)”.

“Thợ săn” tiền thưởng Thanh Tùng

Do các quy định chặt chẽ về phòng dịch tại Hà Nội, dịch vụ GoRide (xe ôm công nghệ) vẫn chưa hoạt động trở lại. Do đó, theo anh Tùng, thu nhập của tài xế chủ yếu đến từ các đơn GoFood. Tuy nhiên, nếu “năng nhặt chặt bị”, chịu khó chạy không bỏ cuốc, họ vẫn kiếm được cả triệu đồng mỗi ngày. Anh vuốt chiếc smartphone minh chứng: “Ngày “căng” nhất tôi chạy 44 đơn, vượt cả mức điểm thưởng.

Thu nhập một ngày cực “căng” của tài xế Thanh Tùng

Hiện các đơn hàng GoFood trong giờ cao điểm được tính cao nhất 4,5 điểm, đơn GoSend thấp hơn 2,5 điểm. Các mức thưởng là 60 điểm, 90 điểm và cao nhất 120 điểm. Mỗi ngày tài xế chạy hơn 30 “cuốc” xe sẽ có 90 điểm, được thưởng 280 nghìn đồng.

Tài xế Thanh Tùng từng làm nhân viên bảo vệ, công nhân nhà máy may, rồi thế chấp cả nhà vay ngân hàng xuất khẩu lao động, nhưng mọi chuyện cuối cùng lại không thuận lợi. Cuối năm 2019, anh về Hà Nội thuê nhà trọ và chạy xe cho Gojek (khi đó là thương hiệu GoViet). Sau 1 năm rưỡi, Tùng đã thuộc đường Hà Nội như lòng bàn tay, luôn dẫn đầu danh sách những tài xế có điểm thưởng cao của Gojek. Thu nhập hiện tại, Tùng dư sức chu cấp để gia đình ở quê có cuộc sống thoải mái.

“Tôi là lao động chính nên chịu khó xa gia đình thôi. Mà thời dịch dã thế này có mấy nghề nào “cá kiếm” được như chạy xe thế này đâu?” – Tùng bỏ dở câu chuyện, nhấc điện thoại xác nhận đơn hàng rồi lại hối hả lái xe.

Bí quyết “nổ” đơn

Anh Tiến Xuân, đối tác tài xế Gojek tại Hà Nội, là một ví dụ khác của sự “năng nhặt chặt bị”. Trọ ở khu vực hồ Vĩnh Hoàng (Quận Hoàng Mai - Hà Nội), anh chưa bao giờ nề hà giao đơn đến bất kỳ nơi nào trong thành phố.

Theo kinh nghiệm của anh Xuân, việc tài xế này nhận được nhiều đơn hơn tài xế khác không phải do app Gojek ưu ái cho tài xế này hay “bắn” ít đơn cho tài xế kia. App sử dụng công nghệ AI để tính toán, chứ hàng chục nghìn tài xế hoạt động một lúc, làm sao “thiên vị” được. Trên thực tế, tài xế càng chịu khó chạy, ít huỷ cuốc, hiệu suất cao thì càng nhận được nhiều cuốc. Giờ cao điểm buổi sáng và các giờ thấp điểm, Xuân luôn lái xe hoặc dừng gần khu đông dân cư, chung cư, văn phòng hay bệnh viện để gần điểm có nhiều khách, dễ nhận được đơn hơn.

Giờ cao điểm buổi trưa và buổi tối Xuân lại ở gần các con phố nhiều quán ăn có địa chỉ đã đăng ký trên app Gojek. Trời nắng thì gần các quán đồ uống, trời mưa thì gần quán ăn có các món nóng… “Quan trọng nhất là mình đừng để khách đợi lâu. Nếu tắc đường hay quán làm đồ ăn không kịp thì phải gọi điện để khách chờ. Điểm đánh giá của khách cũng rất quan trọng”. – Xuân chia sẻ. Xuân cho biết thêm, kể từ ngày các dịch vụ Gojek được hoạt động trở lại sau giãn cách xã hội, thu nhập không cao như trước dịch vì khách hạn chế chi tiêu hơn và dịch vụ GoRide vẫn chưa được mở, bù lại nguồn thu đến từ các đơn GoFood chiếm tỷ trọng lớn.

“Tôi chỉ nằm trong nhóm thu nhập “bình bình” thôi!” – Xuân khiêm tốn. “Nhưng nói chung nếu chạy đều thì “trộm vía" mỗi tháng cũng dư ra ngót nghét chục triệu đồng. Công việc này không hề nhàn, nhưng với tôi, cứ duy trì được mức thu nhập như thế này là tốt lắm rồi.”

Tài xế Tiến Xuân chia sẻ “bí quyết” nổ đơn

Trước khi làm lái xe “công nghệ” Xuân từng làm công nhân của một công ty dịch vụ môi trường. Thu nhập chỉ khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng, không đủ sống ở Hà Nội và chu cấp cho vợ con. Anh tranh thủ giờ nghỉ để chạy xe cho Gojek (trước đây là GoViet). Được một thời gian, anh “thuê” người làm thêm ca của mình để đi chạy xe. “Ngày công chạy xe cao hơn, mình sẵn sàng trả tiền cho người khác làm công việc thay mình”. – Anh Xuân giải thích. Sau một thời gian, anh tích cóp được ít tiền, mua xe máy mới rồi nghỉ hẳn việc ở công ty cũ, chuyển sang làm tài xế công nghệ.

Anh Thanh Tùng và anh Tiến Xuân cho biết, cánh tài xế đang mong từng ngày dịch vụ xe ôm chở khách được hoạt động trở lại để các anh duy trì nguồn thu nhập ổn định nuôi gia đình.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP