Trong nước

“Tài sản bất minh của quan chức thì phải tịch thu, sung công quỹ”

Thanh tra Chính phủ đề xuất đánh thuế nặng (45%) với các tài sản bất minh của quan chức. Thế nhưng, nhiều đại biểu Quốc hội (QH) cho rằng phải tịch thu toàn bộ. Ông Nguyễn Bá Thuyền (ĐBQH khóa XIII) cho rằng, nếu đánh thuế nghĩa là chúng ta đã hợp thức hóa tài sản bất minh.

Ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, tài sản bất minh của quan chức thì phải tịch thu, sung công quỹ. Ảnh: Internet

PV: Đề xuất truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45% nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu thập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý. Đây là điểm mới nhất trong dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi vừa được bàn thảo tại phiên họp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa qua. Ông đánh giá ra sao về đề xuất này?

Ông Nguyễn Bá Thuyền: Việc xử lý tài sản kê khai không trung thực đã được bàn luận rất nhiều. Nhiều lần, tôi đã đề nghị tịch thu loại tài sản này. Và đặc biệt, nếu qua xác minh, giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý thì đó là tài sản bất hợp pháp. Tôi không hiểu tại sao chúng ta còn đắn đo việc đưa hình thức xử lý là tịch thu vào luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Vì thế, tôi không đồng tình với đề xuất đánh thuế. Những tài sản này không phải nguồn thu hợp pháp để mà đánh thuế. Anh thuộc đối tượng kê khai mà không kê khai là vi phạm. Và nếu đó là tài sản hợp pháp của anh, cớ gì anh không kê khai. Và đã là tài sản bất minh cần phải tịch thu, có cơ chế để tịch thu.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, có những tài sản hợp pháp nhưng chủ nhân quên kê khai, nếu tịch thu sẽ là không hợp lý?

Ông Nguyễn Bá Thuyền: Nếu họ giải trình được nguồn gốc hợp pháp, họ muốn giữ lại thì phải do tòa quyết định. Họ phải kiện ra tòa để chứng minh. Tòa án có công nhận tài sản đó là hợp pháp thì họ mới được giữ lại.

Không kê khai tức là họ vi phạm mà đã vi phạm thì phải bị tịch thu. Chúng ta phải quy định như vậy mới đem lại hiệu quả thực chất cho việc kê khai tài sản của các đối tượng thuộc diện phải kê khai. Nếu không, việc kê khai sẽ mãi chỉ là hình thức và không ai dại gì kê khai tài sản đủ cả. Vì nếu lỡ bị phát hiện, cùng lắm họ đóng thuế 45% và sau đó đương nhiên các tài sản này được thừa nhận hợp pháp. Chúng ta phải lấy lợi ích của tập thể chứ không thể lấy trường hợp của vài cá nhân đế làm mẫu số chung được.

Thực tế, các vụ lùm xùm về tài sản của quan chức không phải được phát hiện qua kê khai tài sản mà do vướng các vụ việc khác sau đó mới rà đến kê khai tài sản. Dù sau đó được phát hiện có vi phạm kê khai tài sản nhưng nguồn gốc tài sản thì… chịu. Nếu đợi có kết luận tham nhũng sau đó tịch thu tài sản thì hiệu quả của việc kê khai tài sản trong phòng ngừa tham nhũng sẽ không được như mong muốn.

PV: Như ông dẫn chứng, nhiều vụ việc ồn ào năm qua về tài sản, đặc biệt là vụ của ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái dù có nói lý do là tích cóp từ “buôn chổi đót”… nhưng dư luận vẫn xôn xao. Vậy nếu đề xuất này thành hiện thực, ông có lo ngại tình trạng người ta sẵn sàng vi phạm thậm chí là tham nhũng để có tài sản lớn sau đó chấp nhận bị đánh thuế, thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Thuyền: Đúng là có nhiều giải trình về nguồn gốc tài sản của quan chức thời gian qua không thuyết phục được dư luận. Bạn có tin “buôn chổi đót”, “làm xe ôm” mà có được tài sản vài trăm tỷ đồng, có biệt phủ, xe hơi không? Tôi cho là chẳng ai tin vào giải trình đó cả.

Chủ doanh nghiệp có biệt thự, xe xịn, tài sản lớn thì dư luận chẳng ầm ĩ làm gì. Nhưng quan chức ăn lương Nhà nước, vợ con cũng vậy mà có tài sản “khủng” thì hoài nghi là chuyện dễ hiểu. Vì thế, tôi càng cho rằng nếu chúng ta đánh thuế tài sản bất minh nghĩa là chúng ta đã “hợp thức hóa” chúng. Nếu vị nào không thể kê khai tài sản đúng thì tốt nhất họ đừng ngồi vào vị trí đó!

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tác giả: Đỗ Thơm

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP