Pháp luật

Tà đạo 'Bà cô Dợ', tự xưng sinh ra Chúa đã bị triệt xóa như thế nào?

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân vùng cao, đối tượng Vừ Thị Dợ (SN 1977) đã lập ra tà đạo 'Bà cô Dợ', tuyên truyền rằng con trai mình là Chúa nhằm lôi kéo người dân.

Theo Công an tỉnh Điện Biên, thời gian qua, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, các tổ chức mang tính chất tà giáo, dị giáo như “Ân điển cứu rỗi”, “Tia chớp phương Đông”, “Đức chúa trời mẹ”, “Giê sùa”, “Bà cô Dợ”… đã xâm nhập vào địa bàn và gây ra nhiều tác động, hệ lụy đến tình hình an ninh trật tự. Trong đó nổi bật lên là tà đạo “Bà cô Dợ” với việc tuyên truyền, xuyên tạc Kinh thánh để lôi kéo người dân tham gia các hoạt động bất hợp pháp.

Được lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân ký cam kết từ bỏ tà đạo "Bà cô Dợ" ở xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Trao đổi với VOV.VN, Đại úy Giàng A De, Phó đội trưởng An ninh tôn giáo PA02 – Công an tỉnh Điện Biên cho biết: “Bà cô Dợ tên thật là Vừ Thị Dợ, sinh năm 1977 hiện đang sống ở Mỹ. Về các hình thức tuyên truyền của bà này, đầu tiên là bà tự xưng mình là người đẻ ra Chúa, tuyên truyền trên các trang Youtube. Bà Dợ có 4 đứa con và tự nhận con thứ tư của mình là Chúa. Vừ Thị Dợ cho rằng, mình đã lên thiên đàng, được gặp 12 Thiên sứ và được Thiên sứ giao nhiệm vụ đưa tin cho khắp thế gian. Bà Dợ tuyên truyền con trai bà ấy là Chúa và sẽ cai trị thế gian trong 1000 năm. Những giấc mơ và câu chuyện của bà Dợ là bịa đặt, ảo tưởng, không đúng với bản chất của Kinh thánh.”

Cũng theo Đại úy Giàng A De, nhóm tà đạo này sinh hoạt trên mạng. Họ có những phòng Zoom (phòng họp online trên mạng) để họp, trao đổi với nhau hoặc những nhóm kín trên Messenger (ứng dụng chat của Facebook). Những hoạt động này, lực lượng chức năng đều nắm được.

Đại úy Giàng A De, Phó đội trưởng An ninh tôn giáo PA02 – Công an tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Trọng Phú)

Ngoài các thủ đoạn trên, nhóm tà đạo này còn lợi dụng tâm lý của người dân tộc và hoàn cảnh khó khăn của họ nhằm tài trợ tiền, lợi ích vật chất để lôi kéo người dân đi theo. Do đó đã thu hút được nhiều người, đặc biệt là người dân tộc Mông.

Từ năm 2017, Công an tỉnh Điện Biên đã nắm được các hoạt động của tà đạo “Bà cô Dợ”, nhờ đó kịp thời có các biện pháp rà soát, tuyên truyền, vận động người dân để triệt xóa. Lực lượng chức năng đã phối hợp tổ chức hơn 300 buổi họp dân với hơn 26.000 người tham gia để tuyên truyền về bản chất mê tín, phản động của các tà đạo và vận động quần chúng nhân dân không tin theo. Đồng thời tổ chức đối thoại với 100% các hộ theo tà đạo để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; tiếp xúc, răn đe, vận động cá biệt 247 lượt đối tượng cầm đầu; xử lý 2 đối tượng về hành vi tuyên truyền thông tin sai sự thật…

Về thu giữ vật chứng, lực lượng chức năng đã thu giữ 17 quyển tài liệu tuyên truyền “Bà cô Dợ” do các đối tượng tự soạn thảo, in ấn, tạm giữ 11 điện thoại, 1 máy tính xách tay là các phương tiện đối tượng dùng để sinh hoạt tà đạo trực tuyến; vận động cá biệt 864 trường hợp là chủ hộ theo tà đạo. Kết quả, đã tuyên truyền vận động để xóa bỏ hoàn toàn tà đạo “Bà cô Dợ” trên địa bàn.

Trung tá Giàng A Minh, phó trưởng phòng An ninh nội địa PA02 – Công an tỉnh Điện Biên cho biết: “Về phương thức thủ đoạn của tà đạo “Bà cô Dợ”, họ lợi dụng không gian mạng. Thứ hai là lợi dụng tâm lý người dân tộc, hoàn cảnh khó khăn của các hộ dân trên địa bàn, họ tài trợ tiền và vật chất để lôi kéo đi theo. Bản chất của họ là lợi dụng kinh Thánh chính thống, lợi dụng các vấn đề dân tộc để lồng ghép, lôi kéo mang tính chất phản động.”

Trung tá Giàng A Minh, phó trưởng phòng An ninh nội địa PA02 – Công an tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Trọng Phú)

Cũng theo Trung tá Giàng A Minh, hiện nay internet trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã về từng xã, từng bản. Số bản không có mạng là rất ít. Do đó những tà đạo như “Bà cô Dợ” có điều kiện để lan tỏa nhanh trên không gian mạng.

“Từ sau khi phát hiện, chúng tôi đã tiến hành rà soát, thống kê lại toàn bộ các hộ, đánh giá tính chất mức độ bị ảnh hưởng bởi tà đạo này. Rồi sau đó báo cáo tham mưu cho Thường trực tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND các huyện và các sở ban ngành liên quan. Các huyện thành lập ban chỉ đạo, phân công cán bộ chiến sĩ, trực tiếp xuống địa bàn tuyên truyền vận động. Phần lớn người đi theo tà đạo là người dân tộc thiểu số nên trình độ hiểu biết của họ còn hạn chế. Họ chưa phân biệt được đâu là Kinh thánh chính thống, đâu là Kinh thánh bị bóp méo. Quá trình tuyên truyền, vận động cũng gặp rất nhiều khó khăn.” – Trung tá Giàng A Minh cho biết.

Qua tuyên truyền nhiều năm, bằng các biện pháp như trực tiếp xuống bản để tuyên truyền, vận động, dần dần lực lượng chức năng cũng giúp các hộ hiểu rằng, đâu là Kinh thánh chính thống, đâu là xuyên tạc, phản động. Sau khi nhận thức được, họ đã cam kết từ bỏ. Hiện nay, phần lớn các hộ đã trở về sinh hoạt theo các tôn giáo chính thống được Nhà nước công nhận.

Tác giả: Trọng Phú

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP