Có lẽ đây là mức tăng kỷ lục trong lịch sử thị trường ô tô tại Việt Nam từ trước tới nay. Điều này cũng khiến cho nhiều người phải ngạc nhiên vì từ trước tới nay, hãng xe siêu sang Rolls-Royce rất hiếm khi công bố giá bán cụ thể cho một mẫu xe nào đó.
Mức tăng giá xe Rolls-Royce tại Việt Nam sau khi áp dụng thuế mới.
Những chiếc xe siêu sang của Rolls-Royce có giá bán phụ thuộc vào chất liệu chế tác cũng như những trang bị trên xe. Hơn nữa, do được thiết theo yêu cầu của khách hàng nên những mẫu siêu xe sang Rolls-Royce cũng bị “đẩy” lên cao.
Hầu hết các mẫu xe của Rolls-Royce đều được trang bị động cơ có dung tích lớn lên mức giá bán tăng trung bình từ 13-16 tỷ đồng sau ngày 1/7. Và gây “sốc” nhất vẫn là Phantom Series II EWB tăng từ 53,651 tỷ đồng lên 83,8 tỷ đồng. Tương tự, các mẫu xe siêu sang khác như Ghost Series II EWB cũng tăng từ 27 tỷ đồng lên 42,5 tỷ đồng.
Phantom Series II EWB phiên bản tiêu chuẩn được trang bị khối động cơ V12, dung tích 6.75L cho công suất tối đa 453 mã lực, mô-men xoắn cực đại 720 Nm. Trang bị đi kèm là hộp số tự động 8 cấp. Nhờ khối động cơ trên mà xe có thể tăng tốc từ 0-100 km/h trong vòng 6,1 giây, trước khi đạt vận tốc tối đa 240 km/h.
Ford cũng là một trong những hãng xe có nhiều sự biến động về giá nhất sau khi áp dụng mức thuế mới.
Ngay từ tháng 6, Ford Việt Nam đã chủ động giảm giá một số mẫu xe có dung tích xy lanh nhỏ như EcoSport, Fiesta, với mức giảm khoảng 20 triệu đồng.
Sau 1/7, những mẫu xe này chính thức nằm trong diện giảm giá do dung tích xy lanh chỉ từ 1.0 đến 1.5L. Như vậy, giá xe Fiesta sẽ còn từ 579 – 637 triệu đồng, trong khi đó giá EcoSport dao động từ 585-658 triệu đồng tuỳ “option”..
Giá xe tăng “sốc” nhất vẫn là Phantom Series II EWB tăng từ 53,651 tỷ đồng lên 83,8 tỷ đồng.
Ford Focus là mẫu xe từng được giảm giá trước đó, nhưng sang tháng 7, mẫu xe có động cơ 1.500cc này vẫn được giữ nguyên giá 899 triệu đồng.
Ở chiều ngược lại, mẫu xe bán tải Ford Ranger mặc dù có dung tích xy lanh 2.2L nhưng cũng tăng giá 10 triệu ở các phiên bản 2.2L XLS MT 4x2, 2.2L XLS AT 4x2, 2.2L XLT MT 4x4, 2.2L AT 4x2 Wildtrak. Riêng bản Ranger 3.2L AT 4x4 Wildtrak do tăng thuế từ 15% lên 25% (dành riêng cho xe bán tải) nên cũng tăng giá tới 39 triệu đồng, lên mức 918 triệu.
Đặc biệt, chiếc xe cao cấp nhất của Ford cũng có động cơ 3.2L là Everest AT 4x4 Titanium Plus. Chiếc xe này được điều chỉnh tăng tới 307 triệu đồng, lên mức 1,936 tỷ đồng.
Dòng xe thương mại Ford Transit cũng được hãng giảm giá trong đợt này với mức giảm 19-20 triệu đồng tuỳ phiên bản.
Giá xe ô tô cỡ nhỏ không giảm lại có xu hướng tăng
Thông tin trên Vietnamnet, ngay sau khi mức thuế mới có hiệu lực, một loạt DN ô tô đã quyết định giảm giá những mẫu xe cỡ nhỏ. Tuy nhiên, đây chỉ là mức giảm giá bán buôn từ nhà sản xuất, nhập khẩu cho các đại lý. Còn trên thị trường, qua khảo sát, giá xe bán đến tay khách hàng cơ bản vẫn ổn định, so với thời điểm trước ngày 1/7/2016.
Theo các đại lý ô tô, giá xe khó có thể giảm mạnh thêm nữa. Bước sang tháng 7/2016 khá nhiều khách hàng đi tìm mua xe cỡ nhỏ, số lượng khách hàng đang tăng và nhu cầu bị đẩy lên, khiến giá xe có xu hướng tăng theo. Một vài đại lý cho biết, qua tháng 7 âm lịch, nhu cầu về ô tô cỡ nhỏ sẽ tăng mạnh cho tới cuối năm. Những mẫu xe nào có nhu cầu tăng cao không đáp ứng đủ, giá chắc chắn sẽ tăng.
Muốn đợi xe giảm giá, có thể sẽ phải tới đầu năm 2017. Khi đó, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực Asean về Việt Nam giảm từ 40% hiện nay xuống 30%, thì xe nhập khẩu sẽ giảm giá và gây sức ép lên xe trong nước, khiến xe trong nước cũng phải giảm theo.
Cùng với đó, các DN đang tập trung nhiều vào phân khúc xe cỡ nhỏ. Từ các thương hiệu xe bình dân đến xe sang, hãng nào cũng chuẩn bị những "con bài chiến lược" để tung ra trong thời gian tới. Dự báo phân khúc này sắp tới sẽ xuất hiện nhiều mẫu xe mới, với những sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các thương hiệu. Khi tập trung mạnh vào phân khúc này, các DN phải đổi mới không ngừng, để đáp ứng nhu cầu tốt hơn của khách hàng và giữ vững thị phần. Điều này sẽ làm cho thị trường ô tô sôi động và người tiêu dùng được hưởng lợi.
Tuy nhiên, cũng có những nhận định không lạc quan, cho rằng xe nhập khó giảm giá bởi có thể bị siết chặt bằng các hàng rào phi thuế quan. Hiện đã có các đề xuất về việc tạo ra các rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế sự cạnh tranh của xe nhập khẩu. Cụ thể như chỉ cho 2-4 cảng biển trên cả nước được phép nhập khẩu xe. Cùng với đó là nâng giá tính thuế các loại xe nhập khẩu nguyên chiếc. Khi giá tính thuế nâng lên, sẽ khiến cho chi phí tăng, giá bán xe tăng theo và Nhà nước cũng có thêm nguồn thu. Vì vậy, giá xe nói chung khó có thể giảm mạnh.
Tác giả bài viết: Ngọc Anh (Tổng hợp)