Thế giới

Sức mạnh tàu ngầm 'gián điệp bí mật nhất' của Mỹ

Chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Seawolf, USS Jimmy Carter sau khi cải tiến được giới phân tích quân sự đánh giá là một trong những tàu ngầm gián điệp bí mật nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf của MỹHẢI QUÂN MỸ

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf (Sói biển) ra đời vào thời Chiến tranh lạnh và hiện vẫn đang là công cụ đắc lực trong lực lượng tàu ngầm Mỹ. Thậm chí, chiếc USS Jimmy Carter sau khi cải tiến còn được giới phân tích quân sự đánh giá là một trong những tàu ngầm gián điệp bí mật nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo chuyên san The National Interest, vào thập niên 1980, Liên Xô đã nhận được thông tin tình báo rằng hải quân Mỹ có thể theo dõi tàu ngầm thông qua tiếng ồn của động cơ chân vịt. Điều này buộc Liên Xô tăng cường cảnh giác, đồng thời ra sức tìm kiếm công nghệ nhằm tạo ra những chân vịt tốt hơn.

Nhờ máy móc mua của Công ty Toshiba (Nhật Bản) thông qua Công ty Kongsberg (Na Uy), Liên Xô đã có thể chế tạo tàu ngầm tấn công hạt nhân hoạt động siêu yên tĩnh vào giữa thập niên 1980. Không chỉ chiếm ưu thế về độ yên tĩnh, các tàu ngầm lớp Akula còn lặn sâu hơn 600 m, trong khi tàu ngầm lớp Los Angeles của Mỹ khi đó lặn sâu chưa tới 200 m.

Khẳng định ưu thế

Nhằm đối phó với mối đe dọa từ tàu Akula của Liên Xô, hải quân Mỹ đã khởi động chương trình chế tạo tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf với nhiều tính năng vượt trội. Tàu ngầm Seawolf được trang bị lớp vỏ hợp kim thép HY-100 dày hơn 5 cm, cho phép phương tiện này chịu được áp lực nước mạnh hơn khi lặn sâu. Hợp kim HY-100 bền chắc hơn khoảng 20% so với hợp kim HY-80 được sử dụng cho tàu ngầm lớp Los Angeles. Nhờ vậy mà các tàu ngầm Seawolf có thể lặn ở độ sâu tương tự như tàu ngầm Liên Xô

Với chiều dài hơn 107 m, Seawolf được thiết kế ngắn hơn 2 m so với thế hệ tàu ngầm hạt nhân tấn công trước đó nhưng lại rộng hơn đến 20%, với chiều rộng khoảng 12 m. Đây là lý do khiến các tàu ngầm Seawolf nặng hơn, với độ choán nước khoảng 12.158 tấn.

Tàu ngầm Seawolf trang bị một lò phản ứng hạt nhân S6W, có công suất 52.000 mã lực, cùng 2 tua bin hơi nước kết nối với một trục. Seawolf là tàu ngầm đầu tiên của Mỹ sử dụng hệ thống bơm phun để di chuyển thay cho chân vịt, giúp tàu hoạt động êm và nhanh hơn. Tàu có thể di chuyển với tốc độ 18 hải lý/giờ khi nổi, 35 hải lý/giờ khi lặn và có thể chạy với tốc độ 20 hải lý/giờ ở chế độ im lặng.

Seawolf được trang bị hệ thống định vị thủy âm BQQ-5, sử dụng sonar mảng kéo TB-29A để phát hiện các đối tượng phía sau cùng hệ thống sonar BQS-24 nhằm phát hiện thủy lôi.

Ban đầu, Seawolf sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu tác chiến BSY-2 của Tập đoàn Lockheed Martin với một mạng lưới khoảng 70 bộ vi xử lý Motorola 68030, cũng là hệ thống xử lý dùng cho các máy tính Macintosh trong thời kỳ đầu. Hiện nay, hệ thống này đang được thay thế bằng hệ thống kiểm soát vũ khí AN/BYG-1 hiện đại hơn do Tập đoàn Raytheon thiết kế.

Chuyên gia săn ngầm

Được thiết kế và chế tạo với mục đích săn tàu ngầm đối phương, Seawolf có tổng cộng 8 ống phóng ngư lôi, gấp đôi so với các tàu ngầm trước đó. Tàu có thể mang theo 50 quả tên lửa hoặc ngư lôi, tùy theo mục đích sử dụng, bao gồm ngư lôi hạng nặng Mark 48, tên lửa chống hạm Harpoon với phiên bản dùng cho tàu ngầm, và tên lửa Tomahawk. Bên cạnh đó, vào những thời điểm cần thiết, Seawolf có thể được huy động để thực hiện nhiệm vụ rải thủy lôi.

Nhờ những nỗ lực nói trên, các tàu lớp Seawolf vận hành với độ ồn ít hơn 70 lần so với các phiên bản cải tiến của tàu ngầm lớp Los Angeles. Ngoài sự vượt trội về độ yên tĩnh, tàu ngầm Seawolf còn hoạt động nhanh gấp đôi so với các loại tàu ngầm trước đó.

Theo trang tin Navy.mil của hải quân Mỹ, lực lượng này ban đầu lên kế hoạch đóng đến 29 chiếc Seawolf trong thời hạn 10 năm. Tuy nhiên, chương trình này sau đó bị cắt giảm xuống còn 12 chiếc với kinh phí ước tính 33 tỉ USD. Đây được xem là một khoản chi không thể chấp nhận được trong bối cảnh Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, đồng nghĩa với việc mối đe dọa từ các tàu ngầm lớp Akula giảm đi. Kết quả là chương trình Seawolf kết thúc chỉ với 3 tàu được đóng, với chi phí tổng cộng 7,3 tỉ USD.

Đặc tính yên tĩnh ưu việt của lớp tàu ngầm Seawolf là tác nhân khiến hải quân Mỹ nảy sinh ý tưởng cải tiến chiếc cuối cùng của lớp tàu này, USS Jimmy Carter, nhằm hỗ trợ các hoạt động ngầm. Phần cải tiến bao gồm lắp đặt thêm một hệ thống thiết bị dài hơn 30 m, có tên gọi Nền tảng đa nhiệm (MMP) vào thân tàu. Thiết bị này giúp USS Jimmy Carter triển khai và thu hồi các phương tiện do thám không người lái dưới nước, hoặc mang theo 50 lính đặc nhiệm SEAL để thực hiện các sứ mệnh đặc biệt.

Tàu cũng được gắn thêm những phương tiện giúp xử trí chính xác những tình huống như nghe lén thông tin từ các đường cáp ngầm và những hoạt động do thám khác. Chính đặc điểm này đã khiến giới phân tích quân sự đánh giá USS Jimmy Carter là một trong những tàu ngầm gián điệp bí mật nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo The National Interest, tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf được giới nghiên cứu quân sự đánh giá là mẫu tàu ngầm tốt nhất thế giới từng được chế tạo. Dù chỉ được chế tạo với số lượng ít do những chuyển biến trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, nhưng đội tàu Seawolf vẫn được xem là phần rất hữu dụng của lực lượng tàu ngầm Mỹ, với những khả năng mà thậm chí thế hệ tàu ngầm lớp Virginia được chế tạo sau này không thể sánh kịp.

Ông Kyle Mizokami, một nhà phân tích quốc phòng và an ninh quốc gia tại TP.San Francisco (Mỹ), nhận xét Seawolf là lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân mà các đối thủ như Nga và Trung Quốc không thể không dè chừng khi đối đầu.

Hồi năm ngoái, một tàu ngầm Seawolf đã “nằm vùng” nhiều tuần lễ dưới băng ở Bắc cực trong đợt triển khai kéo dài 6 tháng từ tháng 3 - 8 ở Bắc cực. Theo tờ The Daily Beast, hành động này được xem là một màn phô diễn khả năng công nghệ hiếm hoi ngay tại nơi được coi là “sân sau” của Nga và Trung Quốc cũng đang dòm ngó. Khi đó, nhiệm vụ của Seawolf là di chuyển từ căn cứ nhà ở Bremerton, thuộc bang Washington, băng qua eo biển Bering và tới bên dưới Bắc cực để tập luyện cùng Hạm đội 6 của Mỹ ở Đại Tây Dương. Việc triển khai được cho là nhằm thể hiện cam kết của hải quân Mỹ là “đảm bảo khả năng tiếp cận mọi vùng biển trên thế giới”.

Tác giả bài viết: Trùng Quang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP