Pháp luật

Sự trung thực của cán bộ qua những... “vụ án triệu đô”

Hơn bao giờ hết, giờ đây những “công bộc”, “đầy tớ” của dân cần phải nghiêm túc tự nhìn lại mình, nhìn lại công việc mình đang đảm trách trước Đảng, trước dân. Phải thấm thía nhận ra rằng, tính trung thực luôn là một thuộc tính, một phẩm chất tối quan trọng ở người cán bộ; chức càng cao thì càng phải thấu suốt điều đó. Và chính sự minh bạch và trung thực của cán bộ là cơ sở rất quan trọng để xây dựng một xã hội công bằng và dân chủ, văn minh.

Từ những “vụ án triệu đô”

Mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan. Trong số này, bị can Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II – Ngân hàng Nhà nước, bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ.

Theo kết luận điều tra, trong quá trình dự thảo và ban hành kết luận thanh tra, nữ cựu Cục trưởng đã nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn lên đến 5,2 triệu USD thông qua lãnh đạo SCB là Chủ tịch Hội đồng quản trị Đinh Văn Thành và Tổng giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn.

Sau khi nhận tiền hối lộ, cựu Cục trưởng đã bao che, bưng bít, báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra cho Ngân hàng Nhà nước để không có đủ thông tin, tài liệu phục vụ tham mưu, chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB. Từ đó các cơ quan chức năng cũng không kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng…

Thật ra đây không phải lần đầu xảy ra “án triệu đô” làm rúng động dư luận, mà những câu chuyện tương tự về “án triệu đô” đã xảy ra khiến cho nhiều cán bộ công chức rơi vào vòng lao lý, đồng thời cũng báo động có những kẽ hở nhất định về luật pháp để cho các đối tượng “hiểu” luật tìm cách “ngồi xổm” trên pháp luật.

Chẳng hạn: Vụ “chạy án” hơn 2 triệu USD trong vụ chuyến bay giải cứu; hoặc trong “đại án” Việt Á, Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Việt Á, cùng Phó tổng Vũ Đình Hiệp là hai người bị cùng đề nghị truy tố về cả hai tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ. Hệ quả của việc hối lộ xuyên bộ ngành, địa phương nói trên đã khiến 3 nguyên ủy viên Trung ương là cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, cùng hàng chục cán bộ liên quan khác, bị truy tố.

Cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son.

Trước đó, “đại án” xảy ra tại MobiFone, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã thừa nhận hành vi “nhúng chàm”, nhận hối lộ 3 triệu USD; cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà khai nhận hối lộ 2,5 triệu USD; cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa bị kỷ luật cảnh cáo và miễn nhiệm chức danh do thiếu trung thực trong kê khai tài sản, do làm trái nguyên tắc tài chính khi thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp này để vụ lợi cho cá nhân và gia đình...

Để xã hội ổn định và tạo tiền đề cho phát triển, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, phải dựa trên ba yếu tố chủ yếu: phát triển kinh tế; chống tham nhũng và quan hệ quốc tế hài hòa. Thời gian qua, chúng ta đã quyết tâm, quyết liệt đưa ra ánh sáng những vụ “đại án”, những thành phần cản trở sự phát triển của xã hội; xử lý thật nghiêm cán bộ, công chức ở vị trí quan trọng nhưng không gương mẫu, không thực thi đúng trách nhiệm của mình. Có điều, dư luận và nhân dân không khỏi băn khoăn trước những dấu hiệu đáng lo ngại trong đội ngũ “công bộc của dân” với những hành vi thiếu trung thực, vi phạm các quy phạm đạo đức công vụ như vậy.

Đến câu chuyện về sự trung thực…

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã diễn ra từ khá sớm và được đặc biệt coi trọng dưới chế độ xã hội mới. Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo về nạn tham nhũng, coi đó là một loại “giặc nội xâm”. Trong vài thập kỷ gần đây, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã coi tham nhũng là “quốc nạn” và rất tích cực đấu tranh chống tham nhũng.

Từng có một thống kê cho thấy, văn hóa Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng thường dựa theo mối quan hệ cá nhân, có tới 70% doanh nghiệp tự động đưa hối lộ để được giải quyết công việc nhanh chóng, có 51% doanh nghiệp trả lời sẽ nhờ người có ảnh hưởng tác động để giải quyết khi đối mặt với hành vi tham nhũng vặt của công chức.

Thực tế, luật pháp Việt Nam có quy định cụ thể về số tiền tham ô bị truy tố hình sự, và các mức hình phạt tương xứng kèm theo. Tuy nhiên, luật pháp vẫn chưa có các quy định chi tiết về giá trị, hình thức của “quà cảm ơn” mà cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức được phép nhận từ các cá nhân, doanh nghiệp.

Thành thử, những “án triệu đô” nói trên cũng là ví dụ điển hình của việc thiếu trung thực ở người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người có trách nhiệm liên quan. Ở vị trí, vai trò của mình, họ lạm dụng quyền lực để nhận hội lộ, tham ô và một khi “nhúng chàm”, họ đã bao che, thao túng từ trên xuống cho những vi phạm của mình cũng như thuộc cấp.

Vì thế, việc nhiều “án triệu đô” bị phanh phui âu cũng là kết quả đáng mừng, những nỗ lực lớn của các lực lượng liên quan, trong đó phải nói đến lực lượng Công an vì đây là “mũi tiên phong” trong chiến dịch chống “giặc ngoại xâm” mà Đảng ta đang thực hiện.

Vấn đề đặt ra ở đây đó là sự thiếu trung thực của một bộ phận cán bộ phải chăng đó cũng chính là một thứ “tự diễn biến, tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng mà Ban chấp hành Trung ương đã cảnh báo, cần sớm ngăn chặn như Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đã đề cập?

Theo đó, bên cạnh việc thượng tôn pháp luật, chúng ta đồng thời phải đề ra các biện pháp phòng ngừa hiệu quả với mục tiêu là các “công bộc của dân” thấm nhuần tư tưởng “bốn không”: Không dám, không thể, không cần và không muốn tham nhũng. Và để thỏa mãn được những điều kiện “4 không” này không phải là điều dễ dàng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trên con đường phát triển và hội nhập. Đó là cả một quá trình lâu dài, cần phải mất nhiều thời gian, không thể có trong một sớm, một chiều.

Vì lẽ đó, hơn bao giờ hết, giờ đây, những “công bộc”, “đầy tớ” của dân cần phải nghiêm túc tự nhìn lại mình, nhìn lại công việc mình đang đảm trách trước Đảng, trước dân. Phải luôn thấm thía nhận ra rằng, tính trung thực luôn là một thuộc tính, một phẩm chất tối quan trọng ở người cán bộ; chức càng cao thì càng phải thấu suốt điều đó. Và chính sự minh bạch và trung thực của cán bộ là cơ sở rất quan trọng để xây dựng một xã hội công bằng và dân chủ, văn minh.

Tác giả: Sông Hàn

Nguồn tin: Báo Công an Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP