Kinh tế

Sự trỗi dậy của thực phẩm đóng gói Việt ở nông thôn

Ngày càng nhiều hộ gia đình nông thôn chọn mua thương hiệu Việt, thay vì sản phẩm của doanh nghiệp ngoại như trước.

Theo khảo sát vừa được công ty nghiên cứu thị trường quốc tế Kantar Worldpanel công bố, lượng hàng tiêu dùng nhanh 6 tháng đầu năm trong các hộ gia đình tại khu vực nông thôn tăng 2% so với cùng kỳ, đạt tổng giá trị 78.000 tỷ đồng, gấp 3 lần khu vực thành thị. Trong đó, thực phẩm đóng gói đóng góp nhiều nhất, đến 26.000 tỷ đồng, ngành hàng nước giải khát có doanh số 24.000 tỷ đồng, sản phẩm sữa mang về 16.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Kantar Worldpanel cho biết, tỷ trọng chi tiêu hàng tiêu dùng nhanh đang nghiêng hẳn về các hộ gia đình ở nông thôn.

Cụ thể, tổng doanh thu khu vực đô thị đo lường ở 4 thành phố lớn trong 6 tháng đầu năm chỉ khoảng 22.000 tỷ đồng, giá trị từng phân khúc tính ra đều ít hơn so với vùng nông thôn như thực phẩm đóng gói 5.000 tỷ, nước giải khát và sữa cùng ghi nhận mức thu về 6.000 tỷ.

Nông thôn là thị trường đầy tiềm năng với hơn 70% dân số cả nước. Tuy nhiên, trong 100 ngành hàng tiêu dùng nhanh ở đây, khoảng 70% có mức tiếp cận người tiêu dùng dưới 50%. Hiện thu nhập người dân vùng quê chỉ bằng khoảng 40% so với thị thành. Khi kinh tế phát triển, thu nhập tăng thì sức mua ở thôn quê cũng sẽ lên theo. Ông Hoàng nhìn nhận đó cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh khai phá thị trường này để đón đầu xu hướng.

Sau những dấu hiệu chững lại đầu năm, thị trường hàng tiêu dùng nhanh ở khu vực này đã bắt đầu khởi sắc, tạo đà cho những quý cao điểm cuối năm. Sôi động hơn cả là nhóm thực phẩm đóng gói khi người dân vùng quê chi ra đến 26.000 tỷ để mua hàng.

"Trong giỏ mua sắm 100 đồng, người nông thôn dành cho hàng tiêu nhanh thì thực phẩm đóng gói chiếm đến 40%, so với ở thành thị chỉ 30%. Đây là những sản phẩm thiết yếu bắt buộc phải mua. Hiện người dân mới chỉ quen với các sản phẩm cơ bản, nếu nhà sản xuất đưa ra những sản phẩm mới sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường cao hơn nữa", ông Hoàng đánh giá.

Báo cáo của Kantar Worldpanel cũng chỉ ra mì gói là phân khúc có giá trị cao nhất trong ngành hàng thực phẩm đóng gói ở khu vục nông thôn, khoảng hơn 5.000 tỷ đồng mì gói đã được các hộ gia đình tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm nay. Nhưng đây cũng là sân chơi "khó nhằn" khi tỷ lệ tăng trưởng chung đang dậm châm tại chỗ, chỉ tăng 3% nếu tính về số lượng, thậm chí giảm 2% nếu tính về giá trị. Nhiều doanh nghiệp, thương hiệu mì gói thậm chí bị âm đến hai con số, cả về số lượng lẫn giá trị hàng hóa được các hộ gia đình sử dụng.

Tuy nhiên, vẫn có những công ty "ngược sóng", gia tăng cả thị phần, doanh thu và lượng sản phẩm bán ra. Đơn cử như nhãn hiệu mì 3 Miền của công ty Uniben có số lượng hàng được các hộ gia đình ở nông thôn chọn mua tăng 22% trong năm qua. Điều này giúp 3 Miền chiếm 26% thị phần và trở thành nhãn hàng được chọn mua nhiều nhất tại khu vực này, liên tục từ tháng 9/2015 đến nay.

Theo Kantar Worldpane, lần đầu tiên thương hiệu mì gói được chọn mua nhiều nhất ở khu vực nông thôn là một thương hiệu Việt Nam.


Ông Hoàng cho rằng, doanh nghiệp muốn chiến thắng tại vùng quê cần đưa ra chiến lược phát triển phù hợp và xem đây là thị trường chủ chốt cho tăng trưởng. Đầu tiên là phải có sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, khẩu vị, thói quen người tiêu dùng. Chính sách định giá cần phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của người lao động. Doanh nghiệp cần phát triển hệ thống phân phối đến từng ngõ xóm, để bất kỳ ai cũng có thể mua mọi lúc, mọi nơi.

"Mì gói 3 Miền của Uniben tăng hơn 10% điểm tiếp cận trong năm qua, tương ứng 1,6 triệu hộ gia đình trên tổng số khoảng 16 triệu hộ gia đình ở khu vực nông thôn trên cả nước. Trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, chỉ số này rất quan trọng, tiếp cận càng nhiều người mua thì nhãn hiệu càng có đà tăng trưởng mạnh và bền vững", ông Hoàng nhấn mạnh.

Đại diện của Uniben chia sẻ, doanh nghiệp đã nghiên cứu hương vị của các món ăn truyền thống, tìm tòi nét đặc trưng nhất của món ngon từ khắp ba miền để ứng dụng vào sản phẩm của mình. Ví dụ như vị chua cay 3 Miền là sự tổng hòa vị chua của me với mùi thơm của bạc hà, rau ngổ và vị cay của lát ớt xắt trong món canh chua Nam Bộ; vị chua của khế trộn lẫn mùi ruốc, mùi ớt, sả trong món ngon miền Trung; vị chua từ mẻ với mùi thơm của thì là trong các món Bắc…

"Bên cạnh đó, chúng tôi còn có nhiều hương vị khác cho người tiêu dùng lựa chọn như bò hầm rau thơm, mì vị tôm hùm, mì bò sợi phở, sườn hầm măng..., vốn là những hương vị rất quen thuộc với người dân Việt Nam", đại diện của Uniben nói.

Bên cạnh mì gói, nhóm thực phẩm đóng gói còn chứng kiến sự đi lên của nhiều ngành hàng khác như bánh ngọt đạt 760 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, nước mắm vượt 13%, sản phẩm snack hơn 16%... Món ăn nấu sẵn đóng gói (như canh chua, thịt kho, cá kho...) có mức phát triển lên đến 108%. Điều này cho thấy người dân nông thôn sẵn sàng đón nhận xu hướng mới nếu sản phẩm thật sự tiện dụng và chất lượng, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Nhiều thương hiệu nội cũng chiếm được vị thế tốt ở thị trường nông thôn như sữa chua SuSu (Vinamilk), sữa đậu nành Fami (Vinasoy) hay TH True Milk...

Kantar Worldpanel dự báo từ đây đến cuối năm, các doanh nghiệp trong nước sẽ tiếp tục dẫn đầu ở mảng thực phẩm đóng gói, đảm bảo mức tăng trưởng 6% ở thị trường nông thôn. Tuy nhiên, khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở cửa cho doanh nghiệp ngoại, hoạt động kinh doanh sẽ khó khăn hơn. Do đó, doanh nghiệp nội địa cần nắm chắc vùng nông thôn để nâng cao tiềm lực, từ đó trụ vững và làm bàn đạp phát triển ra các thị trường khác.

Theo Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương, tổng doanh thu ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam sẽ vào khoảng 140 tỷ USD trong năm 2016. Các nhóm hàng đồ uống, thực phẩm, sữa, hàng chăm sóc gia đình... đều có tiềm năng tăng trưởng tốt ở giai đoạn 2016-2020. Dự kiến đến năm 2020, người tiêu dùng Việt Nam sẽ chi đến 173 tỷ USD cho các sản phẩm tiêu dùng nhanh.

Tác giả bài viết: Minh Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP