Ảnh minh họa: Womenshealth.
Theo Health Sina, dân gian xưa nay thường quan niệm những người bình thường hay bị ốm vặt sẽ có sức khỏe tốt hơn người không bao giờ bệnh vặt. Quan niệm này có thể hiểu: “Bệnh nhẹ không ngừng thì bệnh nặng không tới”.
Các chuyên gia cho rằng cách nghĩ trên không có cơ sở khoa học. Chỉ có điều thực tế là người hay bị ốm vặt thì dễ phát hiện các tín hiệu sớm của bệnh nặng hơn người ít bị bệnh, từ đó tiến hành điều trị sớm hơn, không để bệnh nhẹ trở nặng.
Một số quan điểm cho rằng hường xuyên bệnh vặt giúp điều động hệ thống miễn dịch của cơ thể, tăng tỷ lệ nhận thức của tế bào miễn dịch đối với các tế bào bất thường. Wang Dong Xu, Trưởng khoa Lão bệnh viện Đông Tây y Nam Kinh, Trung Quốc, khẳng định một số bệnh nhẹ như cảm cúm có thể điều động tế bào miễn dịch chống lại virus, nhưng điều đó không có nghĩa là “thường xuyên bệnh vặt giúp hệ miễn dịch hoạt động nhiều hơn” như mọi người nhầm tưởng.
Thực tế, người suốt ngày bị cảm sốt chứng tỏ chức năng miễn dịch yếu nên tỷ lệ mắc bệnh nặng sẽ cao hơn. Chẳng hạn người hay đau dạ dày, tiêu chảy thường có chức năng tiêu hóa kém, dễ bị các bệnh đường tiêu hóa mãn tính. Còn người bình thường ít bị bệnh vặt chứng tỏ hệ miễn dịch tốt, chức năng nội tạng tốt. Nếu nói người có hệ miễn dịch kém khỏe hơn người có hệ miễn dịch tốt là hoàn toàn sai lầm.
Có người bị bệnh vặt liên tục, có người lại khỏe mạnh bền bỉ, điều này không chỉ do thể chất mà còn liên quan đến mức độ nhạy cảm và quan tâm của cá nhân họ đối với bệnh tật. Có người chỉ bị chút bệnh vặt đã trăn trở, trong khi người khác lại qua loa xuề xòa dễ bỏ qua những tín hiệu bệnh và cho rằng chỉ ốm vặt không đáng lo ngại.
Bác sĩ Wang nhìn nhận những người hay bị bệnh vặt thường xuyên gặp gỡ bác sĩ, tuân thủ lời dặn của bác sĩ, đề phòng bệnh biến, xét trên phương diện quản lý sức khỏe cũng mang lại lợi ích nhất định. Tuy nhiên không có nghĩa là thường xuyên bị bệnh sẽ tăng cường hệ miễn dịch.
Giáo sư Yu An, phó trưởng khoa Lão cho rằng người hay bị bệnh sẽ quan tâm đến các vấn đề sức khỏe hơn, chú ý hơn đến sự thay đổi của cơ thể, phát hiện sớm, chữa trị sớm. Còn người ít bệnh thường chủ quan cho rằng mình khỏe mạnh, không chịu kiểm tra sức khỏe, bỏ qua những triệu chứng của cơ thể, tạo cơ hội cho bệnh nặng hơn. Đến lúc bệnh có triệu chứng rõ ràng thì đã trầm trọng mới đi khám chữa khiến bệnh xấu hơn so với nhóm người hay bị bệnh vặt.
Các bác sĩ khuyến cáo những người luôn chủ quan cho rằng mình khỏe mạnh không nên coi thường các bệnh vặt như cảm sốt, tiêu chảy vì rất có thể nó là triệu chứng của bệnh nặng. Do đó mọi người nên tập thói quen tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh và điều trị sớm sẽ mang lại kết quả tốt.
Tác giả bài viết: Trần Ngoan