Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức Mỹ và Triều Tiên đang phải khẩn trương thảo luận để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước bởi chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là cuộc gặp sẽ diễn ra, nếu đúng như kế hoạch.
Các quan chức Mỹ đã mô tả về bầu không khí căng thẳng ở Nhà Trắng khi Tổng thống Donald Trump liên tục thúc giục các cố vấn bằng mọi giá tổ chức cuộc gặp vào ngày 12/6, bất chấp lo ngại về việc không đủ thời gian chuẩn bị. Trump đã công khai lên tiếng đập tan những hoài nghi và gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng ông vẫn muốn tiếp tục cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên dù 4 ngày trước, ông đích thân thông báo hủy bỏ nó, theo CNN.
Ở châu Á, phái đoàn Mỹ phải tức tốc thực hiện chỉ thị của Trump. Hôm qua, các trợ lý Nhà Trắng như "ngồi trên đống lửa" trong lúc chờ đợi thông tin từ những nhà đàm phán Mỹ đang thảo luận với Triều Tiên tại Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ). Tại Singapore, một đoàn tiền trạm gồm các quan chức hậu cần Mỹ vừa đặt chân tới đây cũng mong ngóng tin từ Bình Nhưỡng.
Các quan chức Mỹ lạc quan một cách thận trọng rằng cuộc thảo luận hiện nay có thể sẽ tạo bước đột phá cho thượng đỉnh Mỹ - Triều, song họ vẫn lo âu thời gian chuẩn bị quá gấp gáp.
Kết quả cuộc gặp giữa quan chức Mỹ - Triều nhiều khả năng sẽ quyết định liệu hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim vào tháng 6 có thể thành hiện thực được hay không, theo một nguồn tin am hiểu vấn đề. Nhóm công tác Mỹ, với sự tham gia của các quan chức dày dạn kinh nghiệm, hy vọng qua chuyến làm việc ở Triều Tiên sẽ xác định Kim Jong-un muốn gì và sẵn sàng đồng ý với thỏa thuận như thế nào nếu gặp Trump.
Chiến thắng ngoại giao?
Các trợ lý hàng đầu của Trump, trong đó có cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, đã nói với Tổng thống rằng chỉ cần gặp Kim Jong-un, dù chớp nhoáng, cũng đủ mang về một chiến thắng ngoại giao và dọn đường cho những phiên đàm phán khác có ý nghĩa hơn trong tương lai.
Sáng qua, Tổng thống Trump đã thảo luận về hội nghị thượng đỉnh này với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người luôn thúc giục duy trì áp lực tối đa lên Triều Tiên cho tới khi đạt được một thỏa thuận thỏa đáng về chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Hai ông thống nhất sẽ gặp mặt trước thời điểm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra, dù Abe mới gặp Trump hồi tháng trước ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago.
Hôm 27/5, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim, người từng là đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc và có am hiểu về Triều Tiên, đã dẫn đầu một nhóm quan chức tới "Nhà Thống nhất" bên trong DMZ để thảo luận về chương trình hạt nhân Triều Tiên. Mục tiêu của cuộc gặp là soạn thảo một thông cáo để cả hai lãnh đạo cùng đặt bút ký thông qua tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử, giới chức Mỹ cho hay.
Đến nay, chưa rõ liệu Kim Jong-un có sẵn sàng chấp thuận một bản đề xuất kế hoạch phi hạt nhân hóa mà Mỹ đưa ra hay không và lãnh đạo Triều Tiên sẽ yêu cầu Washington làm gì để đổi lại. Những cuộc thảo luận trước đây giữa các quan chức Mỹ, bao gồm cả hai cuộc gặp giữa Kim và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, không thể làm sáng tỏ câu hỏi trên.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng với áp lực trên và sự nóng vội rõ ràng ở Tổng thống Trump, một cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên hoàn toàn có khả năng thành hiện thực.
"Khi lãnh đạo về cơ bản nói họ muốn xúc tiến và truyền thông điệp này tới các nhóm công tác của mình, tôi nghĩ có cơ hội cao cuộc gặp sẽ được thực hiện", John Park, giám đốc Nhóm nghiên cứu về Triều Tiên tại Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard, nhận xét. Ông đồng thời thêm rằng kết quả khả quan nhất từ các cuộc đàm phán giữa quan chức Mỹ - Triều là một kế hoạch được cả đôi bên thống nhất về việc phi hạt nhân hóa.
Mơ hồ về chi tiết
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters. |
Dù vậy, những chi tiết về kế hoạch này đến giờ vẫn mơ hồ. Giới chức Mỹ cho hay đôi bên có thể thông qua một tài liệu vạch ra khuôn khổ cho các cuộc đàm phán tương lai nhưng không cung cấp thông tin cụ thể về việc Triều Tiên sẵn sàng đến đâu với cam kết phi hạt nhân hóa hay việc Mỹ sẽ phải đánh đổi những gì.
Theo Max Baucus, cựu thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Montana, người giữ vị trí đại sứ Mỹ tại Trung Quốc từ năm 2014 đến 2017, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới, nếu được tiến hành, về cơ bản sẽ chỉ mang tính xã giao nhưng như vậy cũng "không quá tệ". "Điều tốt là lãnh đạo Mỹ - Triều sẽ gặp nhau và tôi hy vọng nó sẽ dọn đường cho những cuộc thảo luận thực tế hơn, trực diện hơn và cụ thể hơn về sau", Max nói.
Ở Singapore, một nhóm tiền trạm do Phó chánh văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin dẫn đầu cuối ngày hôm qua đã đến đây để bắt đầu chuẩn bị hậu cần cho hội nghị thượng đỉnh. Nhóm đã tiến hành khảo sát phòng hội nghị của các khách sạn cũng như những địa điểm khả thi khác để tổ chức cuộc gặp.
Trong khi đó, Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol cũng vừa đặt chân tới Bắc Kinh và sẽ có chuyến bay nối tiếp đến New York để thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về quyết định cuối cùng liên quan đến hội nghị thượng đỉnh, theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap.
Một nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay trong số những mối lo âu của Triều Tiên, vấn đề bảo vệ Kim Jong-un là điều khiến họ quan tâm hơn cả. Ngoài ra, thành phần đoàn đại biểu từ mỗi bên tham gia hội nghị hay mức độ mở với báo chí cũng được đưa ra thảo luận.
Những chi tiết trên đáng nhẽ phải được làm rõ từ hai tuần trước, khi Hagin tới Singapore để sắp xếp cho hội nghị thượng đỉnh nhưng phái đoàn Triều Tiên đã không tới.
Tác giả: Vũ Hoàng
Nguồn tin: Báo VnExpress