Điều trị SXH tại BV Nhi đồng TP Cần Thơ. |
Theo CDC Cần Thơ, năm 2022, SXH tăng nhanh từ tháng 5 đến tháng 8. Số ca mắc tháng sau cao hơn tháng trước và chưa có xu hướng giảm. Trong tháng 8-2022, số ca mắc cao nhất với 1.128 ca. Nếu tính tỷ lệ số ca mắc SXH trên 100.000 dân thì tương ứng 332/100.000, tăng so với cùng kỳ năm 2021 là 58,99 ca mắc/100.000 dân.
Có 3 quận, huyện có số ca mắc SXH cao nhất, là: Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và Ninh Kiều. Trong 8 tháng, thành phố cũng ghi nhận 285 ổ dịch, trong khi cùng kỳ 2021 chỉ có 51 ổ dịch (riêng tháng 8 ghi nhận 60 ổ dịch); số ca mắc SXH nặng chiếm tỷ lệ 1,76%. Nguyên nhân số ca SXH tăng do ý thức phòng bệnh cộng đồng còn hạn chế; Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á là khu vực lưu hành SXH quanh năm; mùa mưa, thời tiết thuận lợi cho muỗi sinh sản.
Ngành Y tế dự báo, số ca mắc SXH có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm, do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; dụng cụ trữ nước của hộ dân không được che đậy kín; vật dụng phế thải (lốp xe, chai nhựa, vỏ dừa, lu kiệu bể,…) vứt bừa bãi chứa nhiều lăng quăng, vệ sinh môi trường xung quanh nhà chưa tốt. Gia tăng hoạt động giao lưu đi lại, tăng mật độ tập trung đông người nên số ca mắc luôn có nguy cơ gia tăng, lan rộng nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống.
Theo BS Lê Phúc Hiển, Phó Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế (CDC Cần Thơ), CDC tiếp tục tăng cường phát thông điệp truyền thông gián tiếp qua loa, đài và trực tiếp tại nhà dân, cụm dân cư; tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng; giám sát chặt chẽ để phát hiện, xử lý triệt để ổ dịch; phun hóa chất để xử lý ổ dịch sớm, triệt để, phun chủ động khu vực nguy cơ cao.
Mới đây, trong chuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch SXH tại huyện Cờ Đỏ và Thới Lai, ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: Trong đợt này, đa số ca SXH thuộc tuýp Den 1, tuýp này dễ gây sốc SXH. Các bệnh viện (BV), trung tâm y tế lưu ý chẩn đoán sớm ca bệnh.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế thành phố, giữa tháng 9-2022, CDC tiếp tục phối hợp BV Nhi đồng TP Cần Thơ, BV Đa khoa TP Cần Thơ tổ chức tập huấn chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, điều trị bệnh nhân SXH. Trên thực tế, một số cơ sở y tế đang trong tình trạng quá tải, do số ca mắc SXH tăng. Tại BV Đa khoa TP Cần Thơ - BV tuyến cuối điều trị SXH ở người lớn của thành phố, bệnh nhân SXH được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm. Khoa có 42 giường kế hoạch, thực kê 50 giường; lượng bệnh nhân điều trị SXH chiếm 2/3. Theo BS Trần Văn Phúc, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Đa khoa TP Cần Thơ, khác biệt SXH ở người lớn và trẻ em là ở người lớn sốt thường kéo dài hơn, trung bình từ 6-7 ngày; triệu chứng đường tiêu hóa thường nổi bật, triệu chứng xuất huyết xảy ra nhiều hơn, SXH trên cơ địa có bệnh lý nền, nhiều biến chứng phối hợp hơn.
Tại BV Nhi đồng TP Cần Thơ, từ đầu năm 2022 đến nay, BV đã tiếp nhận điều trị 2.035 ca SXH và SXH cảnh báo; trong đó 313 trường hợp nặng. BS Trần Huỳnh Việt Trang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết nguyên nhân liên quan đến tử vong do mắc SXH là: sốc nặng, sốc kéo dài, xuất huyết nặng, suy hô hấp, suy đa cơ quan, phát hiện trễ, điều trị không đúng phác đồ, chuyển viện không an toàn. Để giảm tỷ lệ tử vong do SXH, cần chẩn đoán sớm, điều trị đúng phác đồ, tăng cường hội chẩn và chuyển viện an toàn.
Theo BS Trần Huỳnh Việt Trang, điều trị SXH nặng cần kinh nghiệm điều trị, năng lực. Các ca nặng cần được hội chẩn. Để chẩn đoán sớm SXH, biểu hiện ban đầu của SXH dễ nhẫm với viêm hô hấp, tiêu chảy cấp, viêm họng cấp... Vì thế, nếu trẻ sốt ngày thứ 3, trong tình hình bệnh SXH tăng hiện nay nên làm xét nghiệm, công thức máu. Xét nghiệm NS1 tương đối đơn giản, tuyến huyện cũng làm được, phát hiện SXH trong những ngày đầu, độ đặc hiệu rất cao. Nếu sốt từ ngày thứ 4, cần xét nghiệm kháng thể IgM để chẩn đoán chính xác.
Tác giả: H.HOA
Nguồn tin: Báo Cần thơ