Giáo dục

Số trường ĐH Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng Châu Á ngày càng tăng

Những năm gần đây, số trường đại học Việt Nam đã có tên trong bảng xếp hạng tốp 400 trường của khu vực Châu Á ngày càng tăng.

Ảnh minh họa/internet

Trước năm 2016, chỉ có 2-3 trường đại học của Việt Nam được vào danh sách các trường đại học hàng đầu Châu Á (do tổ chức xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS) đánh giá).

Đến năm học 2017-2018 đã có thêm cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có tên trong các bảng xếp hạng quốc tế khác nhau với thứ hạng cũng dần được cải thiện.

Cụ thể: 6 trường đại học được Tổ chức University Ranking by Academic Performance (URAP) xếp hạng (ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội); 5 trường ĐH được QS University Rankings xếp hạng (ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Huế, Trường ĐH Cần Thơ); 16 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong Webometric đánh giá theo tiêu chuẩn CSIC.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học đã nỗ lực vượt bậc để được xếp hạng quốc tế. Theo Bảng xếp hạng của QS: ĐHQG Hà Nội xếp hạng 139, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh (tăng từ vị trí 147 năm 2016 lên 142), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (tăng từ nhóm 301-350 năm 2016 lên nhóm 291-300), Trường ĐH Cần Thơ (thuộc nhóm 301-350) và ĐH Huế (thuộc nhóm 351-400). Điều nay cho thấy có chuyển biến tích cực về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học của Việt Nam.

Bên cạnh đó, công tác kiểm định chất lượng được tăng cường; trong 2 năm gần đây, số lượng các cơ sở giáo dục đại học đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc tế và trong nước tăng lên đáng kể.

Đến nay, cả nước có có 90 cơ sở giáo dục đại học được công nhận bởi tổ chức kiểm định trong nước và 5 cơ sở giáo dục đại học được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA).

Bên cạnh đó có 112 chương trình đào tạo đại học đã được đánh giá và công nhận, trong đó có 8 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước; 104 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và công nhận bởi các tổ chức kiểm định quốc tế (76 chương trình được đánh giá bởi AUN-QA, 16 chương trình đánh giá theo chuẩn của Uỷ ban Bằng Kỹ sư Pháp (CTI); 2 chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ, Hoa Kỳ (ABET); 6 chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh, Hoa Kỳ (ACBSP).

Tác giả: Hiếu Nguyễn

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP