Kinh tế

Số phận lô đất Thủ Thiêm mà Chủ tịch Tân Hoàng Minh bỏ cọc sẽ ra sao?

Một câu hỏi được đặt ra là số phận lô đất tại Thủ Thiêm, TPHCM sẽ ra sao khi mà mà phía trúng đấu giá là Công ty TNHH Đầu tư Ngôi Sao Việt, thành viên của Tân Hoàng Minh, bỏ cọc.

Trong thông cáo báo chí vừa phát đi, đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết Công ty TNHH Đầu tư Ngôi Sao Việt sẽ có văn bản chính thức gửi UBND TPHCM để báo cáo và gửi Trung tâm Phát triển quỹ đất, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản ô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đồng thời Tập đoàn này khẳng định sẽ chấp nhận chịu mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công.

Ô đất này trước đó (10/12/2021) được Ngôi Sao Việt trúng đấu giá với mức 2,45 tỷ đồng/m2 với tổng số tiền 24.500 tỷ đồng cho 10.060 m2 đất. Số tiền này cách đơn vị trả giá thứ hai là một công ty nước ngoài đặt giá 23.800 tỷ đồng là 700 tỷ đồng, theo thông tin từ Tân Hoàng Minh.

2 trường hợp

Trao đổi với Dân trí, Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị - cho biết nếu Tân Hoàng Minh đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản thì các cơ quan chức năng sẽ căn cứ để ban hành quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá trước đó.

Điều này, theo ông Lực, đồng nghĩa với việc số tiền đặt trước (tiền cọc) sẽ mất. Ông cho hay, thời gian qua, việc bỏ cọc là bình thường trong các giao dịch trúng đấu giá. Riêng đối vụ việc của Tân Hoàng Minh thì số tiền cọc quá lớn (gần 600 tỷ đồng) với mức giá thì cao kỷ lục (hơn 2,4 tỷ đồng mỗi m2).

Cũng theo luật sư Lực, TPHCM sẽ phải tổ chức lại phiên đấu giá mới hoặc người trả giá cao thứ hai sẽ được mua lô đất với giá đã trả nếu như vẫn có nhu cầu mua.

Khoản 1 Điều 51 tại Luật đấu giá tài sản 2016 quy định rõ về việc từ chối kết quả trúng đấu giá:

"Trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên, sau khi đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá đã công bố người trúng đấu giá mà tại cuộc đấu giá người này từ chối kết quả trúng đấu giá thì người trả giá liền kề là người trúng đấu giá, nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá và người trả giá liền kề chấp nhận mua tài sản đấu giá. Trường hợp giá liền kề cộng với khoản tiền đặt trước nhỏ hơn giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá hoặc người trả giá liền kề không chấp nhận mua tài sản đấu giá thì cuộc đấu giá không thành".

Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá tại Thủ Thiêm (Ảnh: Hữu Khoa).

Ông Lực cho biết, quy định này để phòng trường hợp thông thầu, người thứ nhất bỏ giá cao rồi sau đó bỏ cọc để ngươi thứ hai trúng giá. Do quy định "phòng bị" kỹ quá nên theo ông Lực, các trường hợp giá trả người thứ nhất và người thứ hai gần nhau nhưng cả 2 mức giá đều cao thì có thể dẫn đến hậu quả miếng đất phải đem đấu giá mới.

"Trong trường hợp lô đất Tân Hoàng Minh trúng đấu giá, người thứ hai chỉ kém giá thứ nhất khoảng 3% và đây cũng là một mức giá rất tốt cho Nhà nước", ông Lực nhận định. Tuy nhiên nếu theo quy định, người thứ nhất bỏ cọc thì người thứ 2 phải trả giá bằng người thứ nhất thì rất khó xảy ra. "Vì đây là mức giá quá cao", ông Lực nói.

Ông Lực cũng cho biết thêm, hiện nay đã có quy chế rõ ràng, nên nếu không phát hiện dấu hiệu gian lận gì trong đấu giá thì cũng sẽ không cấm doanh nghiệp tham gia đấu giá vào những lần sau.

Trao đổi với Dân trí, một Giám đốc trung tâm quản lý đất đai cho biết trước đây, sẽ có quy chế đấu giá cho từng phiên đấu giá. Theo đó có hai hình thức, thứ nhất là người trả giá liền kề có thể sẽ được trúng đấu giá miếng đất đó nếu có nhu cầu khi người trúng đấu giá ban đầu bỏ cọc, còn nếu họ không còn nhu cầu nữa thì sẽ đấu giá lại.

Hình thức thứ hai thì không chấp nhận người thứ hai trúng đấu giá mà tổ chức đấu giá lại luôn. "Phải xem xét cụ thể lại quy chế đấu giá đối với phiên đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua để nắm rõ được hướng xử lý tiếp theo", vị này cho biết.

Cũng theo vị này, trước đây thì quy định như vậy tuy nhiên hiện nay có những thay đổi với việc áp dụng Luật đấu giá tài sản.

"Thường tại các phiên đấu giá, những người không trúng đấu giá sẽ được trả cọc ngay", vị này cho rằng khó có khả năng doanh nghiệp liền kề kia quay nếu phải cộng thêm bước giá do quy chế.

Xôn xao chuyện bỏ cọc gần 600 tỷ đồng

Bàn về vụ bỏ cọc đất Thủ Thiêm, một chuyên gia tư pháp cho biết trường hợp này không áp dụng quy định đơn vị trả giá cao thứ hai sẽ được mời mua tài sản đấu giá bởi phiên đấu giá đã chấm dứt, các bên đã ký hợp đồng mua tài sản đấu giá và UBND TP cũng đã có quyết định công nhận kết quả đấu giá.

Việc đơn vị trả giá cao thứ hai được mua tài sản đấu giá chỉ áp dụng khi đơn vị trúng đấu giá từ chối mua ngay sau khi trúng đấu giá kèm theo điều kiện giá được trả cao thứ hai cộng với số tiền đặt cọc đấu giá bằng hoặc cao hơn giá mà đơn vị trúng đấu giá vừa từ chối, vị chuyên gia giải thích.

Tuy nhiên, vị Giám đốc trung tâm quản lý đất đai cho biết thực tế không ai bỏ cọc ngay tại phiên đấu giá vừa trúng. Bởi theo quy định thì sẽ có thời gian để thực hiện các thủ tục sau đó, không ai vừa trúng đã bỏ cọc.

Trước đó trong tâm thư được ghi ngày 10/1/2022 gửi đến các lãnh đạo cấp cao Trung ương, TPHCM, ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - đã xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản ô đất 3-12 khu chức năng số 3. Điều này đã được nêu trong quy định đấu giá và hợp đồng được ký kết 3 bên giữa doanh nghiệp, Trung tâm phát triển quỹ đất và Trung tâm đấu giá TPHCM.

Ông Dũng khẳng định sẽ chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định pháp luật về việc đấu giá tài sản công.

Tiết lộ lý do bỏ cọc, ông Dũng viết trong "tâm thư": Sau khi trúng đấu giá với giá cao như vậy, chúng tôi đã suy nghĩ và lắng nghe rất nhiều dư luận theo nhiều chiều khác nhau và thấy rằng đấu giá trúng ở mức cao như vậy có thể dẫn tới hệ lụy không tốt. "Đặc biệt sau khi tiếp thu ý kiến nhận định của Bộ trưởng Tài chính tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất vừa qua", ông Dũng nêu trong thư.

Ông chủ Tân Hoàng Minh cũng nói thêm, việc này để "bảo đảm một phần ổn định thị trường kinh doanh bất động sản, lợi ích của tập thể, của xã hội lên trên...". Đồng thời Chủ tịch Tân Hoàng Minh cũng gửi đến các lãnh đạo cấp cao "lời xin lỗi chân thành nhất".

Tác giả: Nguyễn Mạnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP