Kinh tế

Sở hữu cả ngàn tỷ đồng, đại gia Việt vẫn 'khóc' khi tiêu tiền

Mặc dù sở hữu cả ngàn tỷ đồng nhưng nhiều đại gia lại gây nên cảnh khóc cười khi không biết cách tiêu tiền hiệu quả.

Gần đây, công ty Cổ phần Chứng khoán Kim Long (KLS) “nổi danh” với tên gọi mới “đại gia không biết tiêu tiền”. KLS bị gọi như vậy là do sở hữu lượng tiền mặt và cổ phiếu trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng nhưng KLS vẫn loay hoay và “chìm nghỉm” giữa các đối thủ.

Về lý thuyết, với hàng ngàn tỷ đồng trong tay, Kim Long có đủ lực tìm lại lợi thế cạnh tranh cho mình. Thế nhưng, Kim Long đã biến ngày 8/4 trở thành ngày đáng nhớ của thị trường chứng khoán Việt Nam khi bất ngờ công bố giải thể công ty và hủy niêm yết. Hành động này được ví von như việc “tự sát” vì rõ ràng Kim Long hoàn toàn có thể sống khỏe nhờ tiềm lực lớn.

Đại gia ô tô Hoàng Huy chật vật vì không biết tiêu tiền

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2016 diễn ra vào ngày 25/4, KLS đã thông qua quyết định và phương án giải thể công ty. Theo đó, mỗi nhân viên sẽ nhận trung bình hơn 256 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi cán bộ, nhân viên Kim Long sẽ được công ty hỗ trợ 3 tháng lương theo lịch trình chấm dứt lao động và sự sắp xếp, bố trí của công ty. Được biết, mức lương bình quân của nhân viên Kim Long là 10 triệu đồng/người.

Sau đó, công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) cũng lọt vào danh sách các đại gia không biết tiêu tiền dù Hoàng Huy có lượng tài sản không hề nhỏ. Theo báo cáo tài chính quý 1/2016, tại thời điểm 31/3/2016, tổng tài sản Hoàng Huy đạt 3.254 tỷ đồng, tăng 316 tỷ đồng so với đầu năm.

Sở hữu tài sản lớn, trong đó tiền mặt chiếm tỷ lệ khá cao. Công ty không đưa số tiền đó vào sản xuất kinh doanh mà lại gửi ngân hàng. Theo báo cáo tài chính, cuối quý 1, HHS có 765 tỷ đồng tiền mặt (bao gồm 68 tỷ đồng gửi ngân hàng dưới 3 tháng) và 829 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng.

Việc không biết tiêu tiền đã gây ra cho HHS nhiều khó khăn. Quý 1/2016, HHS có kết quả kinh doanh khá kém. Theo báo cáo kinh doanh hợp nhất, lợi nhuận sau thuế quý 1/2016 của Hoàng Huy chỉ đạt 54 tỷ đồng, giảm mạnh 72% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2016, HHS đặt chỉ tiêu doanh thu 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 398 tỷ đồng. Với kết quả đã thực hiện trong quý 1/2016, công ty mới chỉ hoàn thành 12% kế hoạch doanh thu và 14% kế hoạch lợi nhuận năm. Muốn không “vỡ” kế hoạch, HHS phải có nhiều nỗ lực trong các quý tiếp theo.

Kết quả là cổ phiếu HHS của Hoàng Huy bị nhà đầu tư quay lưng. Hiện tại, cổ phiếu này đang giao dịch dưới mệnh giá. Đóng cửa phiên 19/5, HHS dừng ở mức 8.400 đồng/CP.

Tương tự KLS và HHS, công ty cổ phần chứng khoán Morgan Stanley Hướng Việt (MSG) cũng là đại gia không biết tiêu tiền. Lượng rất lớn tài sản của MSG tập trung vào tiền gửi ngân hàng. Tại thời điểm 31/3/2016, tiền gửi ngân hàng của MSG là 792 tỷ đồng.

Ở mảng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, MSG có 347,3 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm. Khoản đầu tư này được duy trì từ năm 2014. Trong khi đó, tổng tài sản của công ty là 363 tỷ đồng. Có thể thấy, phần lớn tài sản của MSG đều tập trung ở ngân hàng.

Vì không biết cách sử dụng nguồn lực nên hoạt động kinh doanh của MSG khá bết bát. Công ty chứng khoán này có chuỗi quý thua lỗ liên tục. Khoản lỗ trong 2 năm 2014 và 2015 lần lượt là 1 tỷ đồng và 1,3 tỷ đồng. Sang quý 1/2016, điệp khúc lỗ vẫn đến MSG. Trong kỳ, MSG hao hụt 240,5 triệu đồng.

Năm 2014, Thanh tra Chính phủ khiến dư luận xôn xao khi công bố kết luận thanh tra tại Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo đó, một số khuyến điểm, sai phạm trong công tác quản lý tài chính và đầu tư xây dựng trụ sở làm việc tại đơn vị này đã được tiết lộ.

Trong đó đáng chú ý nhất chính là chênh lệch thu chi gần 9,5 tỷ đồng sau Hội nghị APEC 2006 đã được VCCI chủ động gửi có kỳ hạn vào ngân hàng để sinh lãi. Trong các năm 2008-2010, VCCI rút tiền sử dụng cho hoạt động khi chưa được phép của cơ quan quản lý là vi phạm Luật ngân sách nhà nước.

Tác giả bài viết: Thanh Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP