Thế giới

Số ca nhiễm cúm ở Thái Lan tăng hơn 10 lần trong vòng 2 tuần qua, 9 ca tử vong

Ngày 16/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Somsak Thepsuthin cho biết chỉ tính đến thời điểm hiện tại của năm 2025, nước này đã ghi nhận tổng cộng gần 100.000 trường hợp mắc cúm và 9 trường hợp tử vong.

Người dân tiêm phòng vaccine tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Xinhua

So sánh với dữ liệu từ ngày 25/1 khi chỉ có 7.819 ca được báo cáo, số ca nhiễm cúm tại Thái Lan đã tăng vọt lên 91.238 chỉ trong 15 ngày tiếp đó. Tình hình hiện nay cho thấy tỷ lệ người dân nước này nhiễm cúm cao hơn đáng kể so với năm 2024 và vượt qua mức trung bình trong 5 năm qua. Thái Lan cũng đã xác định được 15 ổ dịch cúm.

Hầu hết các đợt bùng phát cúm hiện nay xảy ra ở trường học, với tỷ lệ lây nhiễm cao nhất được báo cáo ở khu vực y tế 9, bao gồm các tỉnh Nakhon Ratchasima, Surin, Buri Ram và Chaiyaphum. Tổng cộng có 6.938 trường hợp được ghi nhận ở khu vực này với 3 trường hợp tử vong.

Khi xét về độ tuổi, tỷ lệ nhiễm cúm nhất được phát hiện ở trẻ em từ 5 đến 9 tuổi, tiếp theo là trẻ em 4 tuổi và 3 tuổi.

Bộ trưởng Y tế Thái Lan cũng cảnh báo rằng các nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh nặng bao gồm những người từ 65 tuổi trở lên, những người mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh tim và tiểu đường, cũng như ở diện phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi. Ông kêu gọi những người trong những nhóm này cần tiến hành tiêm vaccine cúm.

Ông Somsak cho biết rằng Bộ Y tế nước này đang nỗ lực hết sức để phòng chống dịch cúm. Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Bộ Y tế Thái Lan cũng đưa ra nhiều khuyến cáo đối với người dân nhằm giảm mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh cũng như ngăn ngừa tình trạng tử vong. Mọi người dân Thái Lan được đề nghị cần tuân thủ các biện pháp của cơ quan chức năng đưa ra nhằm ngăn ngừa việc lây nhiễm cũng như phòng, điều trị bệnh. Theo đó, mọi người cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng nước rửa tay có cồn để giảm sự lây lan của vi khuẩn, cũng như tránh những nơi đông người và thông gió kém.

Khi có các triệu chứng giống cúm, ngay cả những người có triệu chứng nhẹ, mọi người nên nghỉ ngơi tại nhà trong 3 đến 7 ngày hoặc cho đến khi hồi phục hoàn toàn. Luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với người khác, sử dụng khăn giấy hoặc khăn tay để che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi và rửa tay thường xuyên. Khi các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn - chẳng hạn như khó thở, mệt mỏi bất thường hoặc chán ăn - hãy ngay lập tức tìm đến sự hỗ trợ của các cơ sở chăm sóc y tế.

Ngoài ra, Bộ Y tế Thái Lan cũng đang đẩy mạnh kế hoạch phòng ngừa và nâng cao sức khỏe bằng chiến dịch tiêm vaccine phòng cúm, dự kiến bắt đầu từ tháng 5 – thời điểm đỉnh dịch cúm tại nước này. Theo đó, 4,5 triệu liều vaccine đã được chuẩn bị để cung cấp cho người dân. Hiện Văn phòng An ninh Y tế Quốc gia (NHSO) đang triển khai kế hoạch phân phối đến các cơ sở y tế trên toàn quốc, đảm bảo tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả.

Các nhóm đối tượng được ưu tiên của NHSO bao gồm: trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi, người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên, người bị tổn thương não nghiêm trọng cần được chăm sóc toàn thời gian. Những người mắc bệnh mãn tính thuộc bảy nhóm: bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen suyễn, bệnh tim, đột quỵ, suy thận, bệnh nhân ung thư đang hóa trị và bệnh tiểu đường hoặc những người mắc hội chứng tan máu bẩu sinh (thalassemia), suy giảm miễn dịch cũng thuộc diện ưu tiên tiêm chủng.

Bên cạnh đó, NHSO cũng xác định ưu tiến đối với những người bị béo phì (cân nặng trên 100 kg hoặc có chỉ số khối cơ thể trên 35), phụ nữ mang thai - khuyến cáo nên tiêm sau khi mang tại được tháng trở lên và nhân viên y tế.

Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP