Giáo dục

Sinh viên phàn nàn thực tập ít, học lý thuyết nhiều

Bộ trưởng Giáo dục cho rằng chương trình học ở nhiều trường chưa bám sát nhu cầu doanh nghiệp, sinh viên chưa chủ động nên việc thực tập khó khăn.

Chiều 11/12, trong khuôn khổ Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam khóa X, gần 700 sinh viên đã đối thoại với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành. Trong đó, các vấn đề liên quan đến học tập, thực hành nghề nghiệp được nhiều bạn trẻ quan tâm.

Bùi Tuấn Kiệt đến từ Bình Định chia sẻ vấn đề sinh viên bị hạn chế thực hành, thực tập. Trong khi sinh viên, kể cả học khối ngành kỹ thuật, vẫn chủ yếu học lý thuyết, ít thời gian thực tập thì nhiều cơ quan, doanh nghiệp không muốn nhận kiến tập, thực tập, tham quan, tìm hiểu dây chuyền công nghệ mới.

"Như thế, chúng ta sẽ đào tạo ra những kỹ sư, cử nhân xa rời thực tế và sẽ mất thời gian tương đối dài để đáp ứng được yêu cầu công việc", Kiệt nói và đặt câu hỏi liệu sắp tới, Bộ Giáo dục có cơ chế gì giúp sinh viên được thực hành và tiếp xúc thực tiễn sản xuất.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đối thoại với sinh viên chiều 11/12. Ảnh: D.T

Trước câu hỏi của Tuấn Kiệt, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho rằng có nhiều lý do dẫn đến thực trạng trên. Việc đào tạo ở nhiều đại học hiện nay chưa sát, chưa trúng với nhu cầu doanh nghiệp. Điều này bắt nguồn từ việc dự báo thị trường chưa tốt, thông tin mang tính chất dự báo trung và dài hạn chưa nhiều.

Bộ trưởng khẳng định không phải cứ đào tạo đại học ra là làm việc được ngày, kể cả sinh viên của Harvard. "Kiến thức trong trường là nền tảng, mỗi doanh nghiệp lại có văn hóa, công nghệ riêng nên họ phải mất công sức đào tạo lại cũng không phải điều lạ", ông Nhạ nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng cứ phải đào tạo lại như hiện nay thì quá lãng phí. Hiện, các trường đã được tự chủ, cần có trách nhiệm trong việc thiết kế chương trình và có trách nhiệm với người học. Ba yếu tố là nhà trường, doanh nghiệp, sinh viên cần liên kết với nhau, giúp đào tạo đi sâu vào thực tiễn.

"Chúng ta cần thay đổi, nhúng mình vào doanh nghiệp chứ không phải chỉ thực tập theo kiểu xuân thu nhị kỳ, hai tuần một tháng như hiện nay", ông Nhạ nói.

Một khó khăn khác được Bộ trưởng Giáo dục chỉ ra là sinh viên đi thực tập chủ yếu để nghiên cứu khảo sát, làm quen với công việc. Phía doanh nghiệp lại có những quy trình, bí quyết riêng không thể chia sẻ với sinh viên - những người không mang lại lợi ích cho họ.

Nguyên nhân cuối cùng được đưa ra bắt nguồn từ chính sinh viên. Ông Nhạ cho rằng các bạn trẻ phải tự học, tự tìm hiểu bằng nhiều công cụ, phải tự chuẩn bị trước khi đi thực tập. "Rất nhiều bạn không để ý, không tìm hiểu trước mà cứ tới kỳ thực tập là đi. Khi đến đó, các bạn không giúp đỡ được gì cho doanh nghiệp khiến họ không thấy có lợi ích gì, từ đó không mặn mà nhận", ông nói.

Đại biểu

Đại biểu đối thoại với lãnh đạo các bộ. Ảnh: D.T

Trường cao đẳng thay đổi, tăng thời gian thực hành

Trước câu hỏi của Lê Thảo Vy (Đăk Lăk) về những khó khăn của sinh viên cao đẳng nghề khi chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, ông Lê Quân, Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội, khẳng định các trường cần quan tâm hơn đến việc dự báo thị trường và tăng thời gian thực hành cho người học.

Ông Quân thông tin hơn một năm nay, hệ thống trường cao đẳng, trung cấp đã chuyển đổi. Một số ít ngành nghề thực hành chiếm tối thiểu 30% thời gian đào tạo, còn lại hầu hết có tối thiểu 50% và tối đa 70% thời gian thực hành. Bộ Lao động cho phép các trường có 40% tổng thời gian do doanh nghiệp giảng dạy thực hành và giảm thiểu số môn học chung ở trường.

"Khi chúng ta đẩy mạnh vai trò của doanh nghiệp thì kỹ năng làm việc, khả năng thích ứng và cơ hội việc làm của người học tăng lên", ông Quân nói và cho biết với sự chuyển đổi này, nhiều ngành như du lịch hay công nghệ thông tin ở các trường luôn trong tình trạng không cung cấp đủ nhân lực cho doanh nghiệp đến trường tuyển dụng.

Tác giả: Dương Tâm

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP