Kinh tế

Sẽ xem xét bỏ giá trần sữa trẻ em dưới 6 tuổi từ đầu tháng 7

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tại buổi tiếp và làm việc với đại sứ Michael Froman - đại diện Thương mại Hoa Kỳ sáng 24/5.

(Ảnh minh hoạ).


Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng sẽ xem xét bỏ giá trần đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ đầu tháng 7/2016. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng việc bỏ giá trần đối với mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi cần đảm bảo cạnh tranh, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cũng phải đảm bảo sự minh bạch và doanh nghiệp cần chứng minh điều đó.

Theo quy định tại Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 về việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thời hạn áp dụng giá tối đa bắt đầu từ ngày 1/6/2014 và kết thúc vào ngày 31/5/2015. Tuy nhiên, sau thời điểm đó, Bộ Tài chính cho rằng, tiếp tục thực hiện bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn luôn là đòi hỏi chính đáng của cả xã hội. Do đó, Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về việc tiếp tục bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp xác định giá tối đa từ ngày 1/6/2015 đến hết 31/12/2016.

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối năm 2015, bà Sherry Boger - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam cho rằng, trong điều hành giá sữa, việc Chính phủ tiếp tục kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đối với sự phát triển của ngành và các doanh nghiệp.

Theo bà Sherry Boger, giá cả ở lĩnh vực này đã tương thích với mặt bằng giá thế giới và thị trường khá cạnh tranh, đa dạng. Điều hành bằng các biện pháp hành chính đi ngược lại cam kết tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh của doanh nghiệp, mâu thuẫn với quy định của WTO, TPP, thông lệ quốc tế và không phù hợp với định hướng kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, giá sữa của Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới. Cụ thể, tính trung bình giá 1kg sản phẩm thì giá sữa của tất cả nhãn hàng tại Việt Nam đều đang cao hơn khoảng 14% so với Thái Lan, 24% so với Philippines, 46% so với Malaysia và 60% so với Indonesia.

“Doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh riêng nhưng không thể có mức chênh lệch lớn như vậy. Việt Nam hiện có trên 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi, đây là đối tượng rất nhạy cảm và cần được quan tâm. Thêm vào đó, thu nhập người dân cũng chưa cao so với khu vực và thế giới”, Bộ trưởng nói.

Do đó, theo Bộ trưởng Dũng, dù thị trường mở nhưng Nhà nước vẫn phải tham gia quản lý bằng các biện pháp hành chính là “cực chẳng đã”. Bộ trưởng cũng cho rằng, các doanh nghiệp, hiệp hội nước ngoài cần có giải phát phù hợp đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Tác giả bài viết: Phương Dung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP