Tin địa phương

Sẽ xây hàng loạt cao tốc kết nối 2 miền Đông-Tây

TP.HCM sẽ là trung tâm, kết nối tám tỉnh, thành trong khu vực.

Ngày 23-1, Bộ Xây dựng đã công bố quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Vùng TP.HCM gồm tám tỉnh: TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang với diện tích gần 35.000 km2. Dân số đến năm 2025 dự báo khoảng 24-25 triệu người.

Theo đồ án quy hoạch, bốn tiểu vùng gồm: Tiểu vùng đô thị trung tâm (TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai); tiểu vùng phía Đông (Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu); tiểu vùng phía Bắc-Tây Bắc (Bình Phước, Tây Ninh, Bắc Bình Dương); tiểu vùng Tây Nam (Tiền Giang, Long An). Cùng với đó là năm trục hành lang chính dọc theo các quốc lộ 1, 51, 13, 22, 22B.

Họa đồ quy hoạch vùng TP.HCM.

Trong đó, TP.HCM là đô thị hạt nhân trung tâm vùng, có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển. TP cũng là trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia, là trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và trung chuyển hàng hóa, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực. Đồng thời là trung tâm du lịch, tài chính, thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất của liên kết vùng TP.HCM là quy hoạch về hạ tầng giao thông với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không. Đáng chú ý là từ nay đến năm 2030 sẽ hoàn thiện bốn tuyến đường cao tốc Hồ Chí Minh - Trung Lương - Cần Thơ; Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành; Bắc - Nam phía Tây.
Cùng với đó sẽ xây dựng thêm bốn tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; TP.HCM - Mộc Bài; Dầu Giây - Đà Lạt; TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Và xây dựng khép kín các đường Vành đai 3 và 4.

Ngoài ra, theo quy hoạch, trong vòng hơn 13 năm nữa, vùng TP.HCM sẽ có thêm 10 tuyến đường sắt và đường sắt nội vùng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong vùng. Đồng thời ngoài việc cải tạo, nâng cấp cảng hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ xây mới thêm cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng hàng không Côn Sơn và cảng hàng không Vũng Tàu.

Theo các địa phương, đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng TP.HCM lần này là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển vùng TP.HCM, sẽ khắc phục được nhiều bất cập của quy hoạch trước đó. Đồng thời chấm dứt tình trạng có quy hoạch nhưng mỗi nơi làm một kiểu do thiếu đầu mối chỉ đạo.

Các tỉnh trong vùng cũng kiến nghị Chính phủ cần sớm thành lập ban chỉ đạo và là “nhạc trưởng” trực tiếp điều tiết để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm như lâu nay. Cùng với đó là phải nhanh chóng tìm nguồn lực để thực hiện quy hoạch nhằm thúc đẩy vùng phát triển mạnh tương xứng với tiềm năng lợi thế của từng địa phương trong vùng

Tác giả: VIỆT HOA

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP