Pháp luật

Sát hại mẹ vợ ở Quảng Bình: Giải mã hành vi tàn bạo của con rể

Công an tỉnh Quảng Bình đang truy bắt Lê Văn Triển kẻ tình nghi sát hại mẹ vợ tại xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh. Dư luận đặt câu hỏi, nguyên nhân từ đâu mà con rể ra tay tàn bạo?

Ngày 9/7, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương thuộc Công an tỉnh Quảng Bình đang truy bắt nghi can Lê Văn Triển (SN 1988, trú xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh) – kẻ bị tình nghi sát hại mẹ vợ.

Sáng 6/7, bà Hà Thị Thiều (SN 1967, trú xã Vĩnh Ninh, H.Quảng Ninh) được người dân phát hiện tử vong trong vườn của gia đình. Khám nghiệm tử thi cho thấy, bà Thiều tử vong do bị người khác sát hại, gây thương tích nhiều chỗ trên người. Khi thu thập tài liệu, chứng cứ, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Bình đã nhận định Lê Văn Triển có liên quan đến án mạng này.

Nơi được cho là Triển đang lẩn trốn.

Tuy nhiên, vào thời gian trên, đối tượng Triển không có mặt ở nhà và được cho đang lẩn trốn tại khu vực hồ thủy lợi với xung quanh rừng rậm rạp của xã Vĩnh Ninh nên lực lượng công an đã được huy động để truy bắt nghi can sát hại mẹ vợ.

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, những vụ việc chồng giết vợ, con giết cha mẹ xảy ra càng nhiều, càng cho thấy đạo đức xã hội đã xuống cấp nghiêm trọng ở một bộ phận người dân trong xã hội.

Mối quan hệ giữa vợ chồng, cha con và những người thân trong gia đình được duy trì trên cơ sở đầu tiên là các quy phạm đạo đức, sau đó là đến các quy phạm pháp luật.

Dưới góc độ đạo đức, con cái phải biết vâng lời, kính trọng, yêu mến cha mẹ. Vợ chồng có bổn phận yêu thương, quý mến, giúp đỡ lẫn nhau. Khi con cái không biết vâng lời cha mẹ, không biết kính trọng cha mẹ, không phụng dưỡng cha mẹ, vợ chồng đánh cãi chửi nhau... đó là biểu hiện của một gia đình mâu thuẫn, đạo đức xuống cấp.

Hàng trăm cảnh sát được huy động.

Khi tình trạng “Nhà kia lỗi phép con khinh bố - Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng...” khi đó chứng tỏ giá trị xã hội đã bị đảo lộn và những hành vi vi phạm pháp luật hoàn toàn có thể xảy ra xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, thậm chí tính mạng, sức khỏe của những người thân trong gia đình.

Dưới góc độ pháp luật, pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân. Hành vi xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác cũng đã có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người mà đối tượng phạm tội có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng thì đó là hành vi bị tăng nặng trách nhiệm hình sự bởi không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội.

Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ việc con rể sát hại vợ, thậm chí sát hại bố mẹ vợ gây hoang mang trong dư luận. Đối tượng xâm phạm đến tính mạng của người khác sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015.

Theo luật sư Cường, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ án mạng mà hung thủ gây án là con rể, là chồng và nạn nhân là vợ, gia đình nhà vợ.

Theo đó, đối tượng gây án thường là những đối tượng cục súc, hung hãn và có tính ích kỷ cao độ, thường coi trọng lợi ích của mình mà so đo, coi nhẹ lợi ích của người khác, thậm chí coi nhẹ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của những người xung quanh.

Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo công tác phá án.

Văn hóa và nhận thức của những đối tượng này thường hạn chế. Các đối tượng thường coi nặng vật chất và coi nhẹ vấn đề tình cảm đạo đức. Vì quyền lợi của bản thân mà sẵn sàng bất chấp tình cảm, đạo đức để tranh giành, chiếm đoạt. Những đối tượng gây án trong những tình huống này thường ít hiểu biết pháp luật hoặc coi thường pháp luật.

Các đối tượng gây án thường là các đối tượng có tiền án, tiền sự, nhân thân xấu hoặc có liên quan đến việc sử dụng trái phép chất ma túy, bị kích thích bởi các chất cấm nên thiếu kiểm soát về hành vi dẫn đến việc thực hiện hành vi phạm tội.

Mâu thuẫn vợ chồng kéo dài, ngày càng căng thẳng nhưng không có phương hướng giải quyết phù hợp... Khi mâu thuẫn dồn nén, cảm xúc và những suy nghĩ tiêu cực tích tụ đến một thời điểm thích hợp có thể dẫn đến việc sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, dẫn đến án mạng xảy ra.

Trong những vụ án mạng thế này thì cũng có nguyên nhân xuất phát từ phía nạn nhân: Có thể nạn nhân thiếu kỹ năng xử lý tình huống có vấn đề, thiếu kỹ năng sống dẫn đến không biết cách giải quyết mâu thuẫn, đôi khi còn làm cho mâu thuẫn ngày càng căng thẳng, có những trường hợp nạn nhân thách thức, làm cho mâu thuẫn ngày càng nghiêm trọng...

Ngoài ra, một số vụ việc còn thấy trách nhiệm của cơ quan tổ chức, chính quyền địa phương trong việc hòa giải, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp.

Chó nghiệp vụ được huy động.

Từ đó, luật sư Cường cho rằng, để giảm bớt những vụ án huynh đệ tương tàn, con cái sát hại cha mẹ, việc đầu tiên là cần phải tăng cường giáo dục đạo đức xã hội, hoạt động giáo dục phải có hiệu quả sâu rộng trong nhân dân. Đồng thời, cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để mọi người nhận thức, tôn trọng và tuân thủ pháp luật. Khi các giải pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật được thực hiện tốt, những hành vi vi phạm pháp luật sẽ ít xảy ra, hậu quả sẽ ít nghiêm trọng.

“Một xã hội ổn định là một xã hội duy trì những nguyên tắc của tư tưởng “đức trị” hoặc “pháp trị”. Khi quản lý xã hội bằng việc kết hợp hài hòa giữa “đức trị” và “pháp trị”, coi trọng những giá trị căn bản và đề cao việc tôn trọng những quy tắc của cộng đồng thì khi đó những chuyện đau lòng như trên mới ít xảy ra trong xã hội. Những bi kịch sẽ chấm dứt trong các mối quan hệ vợ - chồng, cha – con” – luật sư Cường nêu ý kiến.

Tác giả: Hải Ninh

Nguồn tin: kienthuc.net.vn

  Từ khóa: con rể , sát hại , quảng bình , công an

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP