Với nghề sản xuất sản phẩm đặc trưng vùng sông nước này, ông Chương Văn Khanh (Út Anh) góp phần tạo việc làm và thu nhập hiệu quả cho nhiều lao động địa phương.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân (vợ ông Út Anh) giới thiệu món khô cá tra. Ảnh: MỸ TÚ |
Chỉ tay về phía gian hàng nhỏ dựng lên bên góc sân, gần cổng rào trước nhà, ông Út Anh giới thiệu các sản phẩm do gia đình sản xuất: mắm cá tra, khô cá tra, mắm cá linh và nước mắm cá linh, dưa mắm. Trong đó, mắm và khô cá tra là sản phẩm chủ đạo, được khách hàng ưa chuộng nhất. Ông Út Anh chia sẻ duyên may với nghề: “Tôi có thâm niên trên 15 năm nuôi cá tra. Với nguồn nguyên liệu sẵn có này, tôi với bà xã nghiên cứu làm mắm, vừa tự chế biến món ăn đặc trưng, vừa phần nào nâng giá trị kinh tế cho con cá tra, nhất là những lúc giá bán cá tươi xuống thấp”.
Theo ông Út Anh, được mẹ ông truyền nghề làm các loại mắm: cá sặt, cá linh, cá lóc, vợ ông làm mắm rất ngon nên khá thuận lợi khi bắt tay làm thử mắm cá tra. Dù vậy, ông bà vẫn mất khoảng 7-8 năm thử nghiệm mới có công thức làm mắm cá tra “chuẩn vị” hiện nay. Làm mắm cá tra trải qua nhiều công đoạn: làm sạch cá, phi lê, cắt khúc, muối cá cho chín rồi đem chao với tỷ lệ thính, đường định sẵn. Sau đó, để mắm vào hộp kín bảo quản một thời gian, chờ mắm thấm vị mới bán cho khách hàng.
Còn với món khô cá tra, ông Út Anh cho biết, trước đây gia đình làm ăn thử. Thấy ngon miệng nên hay làm quà tặng người quen và khách đến thăm. Dần dần, món khô này được nhiều người khen, ủng hộ, thậm chí tìm mua. Nhờ vậy, vợ chồng ông Út Anh mạnh dạn phát triển thêm món ăn này cạnh món mắm, thành cặp đôi sản phẩm từ cá tra nổi tiếng khắp quận Thốt Nốt. Hiện nay, các sản phẩm của cơ sở trở thành món ăn quen thuộc của người dân địa phương; là quà tặng của khách hàng nhiều tỉnh, thành và cả ngoài nước.
Với lượng khô và mắm cá tra bán ra trung bình từ 40kg mỗi ngày, riêng các dịp lễ, Tết, tăng gấp 3-5 lần, chưa kể thỉnh thoảng bán cho các đoàn khách tham quan địa phương, ông Út Anh thường xuyên thuê thêm 5-10 lao động phụ giúp sản xuất. Bà Nguyễn Thị Út, ngụ khu vực Trường Thọ 1, cho biết: “Nhà tôi không đất sản xuất, chủ yếu làm thuê kiếm sống. Mấy năm nay lớn tuổi, nhờ anh chị Út mở cơ sở làm khô, mắm cá tra, tôi qua phụ giúp, công việc không quá nặng nhọc, phù hợp sức khỏe, tiền công nhật khá ổn định. Tùy lượng cá, mỗi tháng tôi thu nhập từ 2-4 triệu đồng”. Còn bà Nguyễn Thị Nga, 50 tuổi, cũng không đất sản xuất, sống nhờ làm thuê. Khoảng 1 năm nay, bà Nga thường xuyên đến làm công tại cơ sở ông Út Anh, phụ giúp các công đoạn làm cá, phơi khô, tiền công 15.000 đồng/giờ ban ngày. Hôm nào cá nhiều, làm từ 5 giờ chiều đến tối, được trả công 20.000 đồng/giờ. Những bữa làm mắm, khô, bà Nga kiếm trung bình 200.000 đồng.
Ông Út Anh cho biết, khoảng tháng 9 âm lịch, gia đình sẽ chuẩn bị sản phẩm bán dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Vào vụ này, có khoảng 30 lao động làm mắm, khô cá bên cạnh số lao động phụ trông coi các ao nuôi cá.
Với hương vị rất đặc trưng và khá mới lạ, mắm, khô cá tra ngày càng được nhiều khách hàng ưa chuộng. Cơ sở hiện có 5 khách hàng mua sỉ về bán lại tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, nhờ chính quyền địa phương ủng hộ, ông Út Anh yên tâm phát triển cơ sở ngày càng chuyên nghiệp hơn. Khi sản phẩm mắm, khô cá tra ổn định tiêu thụ, ông Út Anh sản xuất thêm mắm và nước mắm cá linh. Ông Út Anh cho biết thêm, thời gian tới, sẽ đầu tư thêm máy sấy khô để chủ động hơn trong sản xuất, chế biến, không phải phụ thuộc thời tiết.
Cùng với hệ thống vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái, mắm, khô cá tra trở thành sản phẩm đặc trưng của phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, góp phần thu hút đông đảo khách du lịch gần xa. Hy vọng Cơ sở sản xuất mắm và khô cá tra Út Anh sẽ ngày càng phát triển, sản phẩm luôn đảm bảo an toàn, chất lượng. Qua đó, vừa tiếp tục quảng bá món ăn địa phương, vừa góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động hơn nữa.
Tác giả: MỸ TÚ
Nguồn tin: Báo Cần Thơ