Vào cuối tháng 2, trên đường Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận), Nguyễn Văn Cừ (Phú Nhuận) chỉ mới lác đác 1-2 xe đẩy bán xoài lắc muối ớt thì nay đã lan rộng ra khắp Sài Gòn. Có những con đường chỉ một đoạn ngắn nhưng tập trung tới 3-4 xe đẩy chuyên bán món ăn này.
Đặc biệt, trước các cổng trường đại học, hay ở căng tin của các tòa nhà, món xoài lắc đều có trong danh mục ăn vặt được rao bán với giá 7.000-10.000 đồng một ly hoặc bịch. Tuy nhiên, cũng chính vì ồ ạt kinh doanh nên sức hút, doanh thu cũng như lợi nhuận từ sản phẩm này không còn được hời như trước.
Đặc biệt, trước các cổng trường đại học, hay ở căng tin của các tòa nhà, món xoài lắc đều có trong danh mục ăn vặt được rao bán với giá 7.000-10.000 đồng một ly hoặc bịch. Tuy nhiên, cũng chính vì ồ ạt kinh doanh nên sức hút, doanh thu cũng như lợi nhuận từ sản phẩm này không còn được hời như trước.
Xoài lắc từng tạo cơn sốt khắp Sài Gòn. Ảnh: Hồng Châu
Chị Hoa, chủ xe đẩy trên đường Lý Chính Thắng, quận 3 cho biết, hồi đầu tháng 4 khi thấy trào lưu xoài lắc rầm rộ trên thị trường chị cũng nhanh chân tham gia. Ban đầu mỗi ngày chị bán được khoảng 20kg xoài lắc, nhưng tới nay trung bình tiêu thụ chỉ còn khoảng 5-7 kg, nên phải bán thêm các món khác để có thu nhập.
Còn chị Lan, chủ xe đẩy trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5), ngoài tham gia vào trào lưu kinh doanh xoài lắc chị còn kiêm luôn cả mận lắc, cóc lắc nhưng doanh số mỗi ngày càng tụt giảm. Bởi lẽ, đa phần những khách quen chỉ ăn cho biết chứ không quá ưa chuộng, vì ăn nhiều sẽ khiến cơ thể nóng. Do vậy, trái cây thập cẩm, nhất là dứa, dưa hấu và củ đậu vẫn là món khách ưa thích nhất.
Món xoài, cóc, mận lắc mới chỉ hạ nhiệt chưa lâu thì từ tháng 5 trở lại đây cơn sốt bánh mì muối ớt lại bắt đầu tạo "sóng". Trên tuyến đường Lê Quang Sung (quận 6), Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) hay tại các ngôi chợ truyền thống, bánh mì muối ớt mọc lên nhan nhản. Có con đường chỉ một đoạn ngắn 1-2km mà có tới 10 tiệm bánh mì muối ớt.
Sài Gòn đang lên cơn sốt bánh mì muối ớt. Ảnh: Hồng Châu
Đáng chú ý, kinh doanh mặt hàng này không tốn nhiều chi phí, chỉ cần một chiếc xe đẩy, hay một cái bàn nhựa, cộng thêm các nguyên liệu như phô mai, chà bông, ruốc tép, mỡ hành, xốt majonnaise, tương ớt... là có được món bánh mì muối ớt thơm ngon với giá 10.000 đồng.
Cô Hạnh, chủ xe đẩy bánh mì bên hông chợ Hòa Bình (quận 5) chia sẻ, bán bánh mì muối ớt khá nhàn vì nguyên liệu không khó mua. Mặt khác, các nguyên liệu này để được lâu không sợ hư hỏng. Nếu trước đây một ngày cô bán được khoảng 30 ổ bánh mì thịt, chả, cá hộp, thu lời khoảng 150.000 đồng thì nay mỗi ngày bán được khoảng 40 ổ bánh mì muối ớt, lãi luôn trên 200.000 đồng. Tuy nhiên, cô Hạnh cũng cho biết, chỉ tranh thủ bán khoảng vài tháng khi món này còn “sốt” chứ thời gian tới chắc cô lại quay về với bánh mì truyền thống, bởi lẽ, 2 tuần nay lượng khách mua bánh mì muối ớt đang giảm.
Còn chị Hằng, kinh doanh bánh mì muối ớt trên đường Phan Văn Trị (Gò Vấp) cho hay, ban đầu khi mới mở, tiệm của chị khá đắt khách nhưng chỉ sau một tháng con đường đã có tới 10 tiệm khiến lượng khách thưa dần. Món này, trước đây, chị đã từng ăn ở An Giang, có nguồn gốc Campuchia bán nhiều ở các vùng Tri Tôn, Ba Chúc, Nhà Bàn-Tịnh Biên (An Giang) từ hơn 2 năm nay. Giá mỗi phần bánh mì nướng bán tại đấy chỉ 5.000 đồng. Khi về Sài Gòn chị không hề có ý định kinh doanh, mãi tới khi món này lên cơn sốt, chị mới quyết định tham gia.
“Vì người dân Sài Gòn luôn có thói quen đi tìm món mới nên sắp tới, khi món bánh mì muối ớt hết sốt tôi sẽ biến tấu thêm những món khác để hút khách”, chị Hằng nói.
Nhìn nhận về trào lưu kinh doanh trên, chị Thanh, từng là chủ quán bún đậu mắm tôm trên đường D2 (Bình Thạnh) cho biết, các trào lưu này không khác làn sóng trà chanh chém gió hay bún đậu mắm tôm cách đây 2 năm.
"Trước đây, thấy mọi người ồ ạt kinh doanh bún đậu, tôi cũng nhanh chóng bổ sung món này vào thực đơn của quán. Tuy nhiên, hoạt động được hơn năm thì tôi dừng lại vì nhu cầu cho món ăn này không còn cao. Chúng chỉ đắt khách ở giai đoạn đầu, còn sau đó sẽ dần đi vào quên lãng vì người Sài Gòn luôn thích những thứ mới mẻ", chị Thanh nói và khuyên, nếu muốn kinh doanh ổn định và có thương hiệu, ngoài việc là người tiên phong thì món ăn chế biến ra phải mang nét đặc sắc riêng. Mặt khác, người bán phải kiên trì theo đuổi và có mô hình bài bản chứ không nên kinh doanh chụp giật.
Tác giả bài viết: Hồng Châu