Theo đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) đã tăng 0,94% ngay phiên giao dịch sớm, còn hai chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Composite nhích lần lượt 0,88% và 0,45%.
Ảnh minh họa (Nguồn: Getty Images) |
Trước đó, trong phiên giao dịch hôm qua 15/10 - thời điểm quy định mới của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc về tỉ lệ dữ trữ bắt buộc đối với các ngân hàng trong nước có hiệu lực, chứng khoán Trung Quốc đỏ sàn khi các chỉ số Hang Seng, Shanghai Composite và Shenzhen Composite đều lần lượt lao dốc 1,32%, 1,49% và 1,178%. Đáng nói, Shanghai Composite trượt dốc 1,49% và chốt phiên ở mức 2.568,10 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 11/2014.
Theo số liệu Chính phủ Trung Quốc công bố ngày 16/10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Trung Quốc trong tháng 9/2018 đã tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,7% so với tháng 8/2018.
Tuy nhiên, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã hạ nhiệt và chỉ tăng 3,6% trong tháng 9, thấp hơn mức tăng 4,1% trong tháng 8. Đây là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chững lại trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Trên thị trường Nhật Bản, hai chỉ số Nikkei 225 và Topix đã tăng lần lượt 0,65% và 0,43% trong phiên sáng 16/10. Thị trường chứng kiến sự hồi phục của cổ phiếu Softbank khi cổ phiếu này đã tăng 3,22% sau phiên giảm điểm hôm qua.
Tại Hàn Quốc, chỉ Kospi cũng tăng 0,51%.
Trên sàn Australia, ASX 200 giao dịch ở mức giá nhỉnh hơn 0,54% trong phiên sáng 16/10, với hầu hết các nhóm cổ phiếu có xu hướng tăng điểm. Điển hình như nhóm cổ phiếu tài chính lên điểm 0,56% khi cổ phiếu các ngân hàng lớn đều có xu hướng tăng.
Tăng mạnh nhất là cổ phiếu của Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) với mức tăng 0,55%, theo sau là cổ phiếu của Tập đoàn Ngân hàng Australia và New Zealand tăng 0,39% và cổ phiếu của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia nhích lên 0,29%.
Trong khi đó, trên sàn Phố Wall qua đêm, các chỉ số chính tiếp tục xu hướng giảm điểm của tuần trước và dẫn đầu cuộc trượt dốc là nhóm cổ phiếu công nghệ.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,6% và chốt phiên ở mức 2.750,79 điểm trong khi chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,9% và kết thúc giao dịch ở mức 7.430,74 điểm. Còn chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones cũng giảm 89,44 điểm và đóng cửa ở mức 25.250,55 điểm.
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu châu Á giá đã tăng nhiệt. Giá dầu thô Brent kỳ hạn thế giới tăng 0,42% lên 81,12 USD/thùng, trong khi giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,32% lên 72,01 USD/thùng.
Trong giao dịch tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ (USD) giao dịch ở mức 95,074 điểm phiên sáng nay 16/10, sau khi mất giá 95,3 điểm vào phiên hôm qua.
Đồng yên của Nhật Bản giao dịch ổn định ở mức 112,01 yên đổi được 1 USD, còn đồng đô la Australia (AUD) giao dịch ở mức 1 AUD đổi được 0,7138 USD./.
Tác giả: CTV Hồng Quang
Nguồn tin: Báo VOV