Thể thao

Ronaldo và ký ức bất tử về 'Người ngoài hành tinh'

Hôm 18/9, Ronaldo tròn 40 tuổi. Và dù sự nghiệp bị xé nát vì nhiều chấn thương, anh vẫn luôn nhận những gì yêu thương nhất từ người hâm mộ.

Có người nói sự nghiệp của một cầu thủ chỉ có thể được đánh giá chính xác nhất khi anh ta... giải nghệ. Khi đó, liệu người hâm mộ có còn nói về anh ta nữa không, có còn rưng rưng khi nhìn lại những pha bóng đẹp của cựu cầu thủ đó hay không? Bởi, có những cầu thủ xuất sắc nhưng dễ dàng chìm vào lãng quên ngay sau khi giải nghệ. Ngược lại, có những người lưu lại trong lòng người hâm mộ qua những mảnh ký ức không quên. Ronaldo là một cầu thủ như thế.

Zlatan Ibrahimovic không phải mẫu cầu thủ chung thủy. Anh thích chinh phục và đã thay đổi CLB nhiều lần trong sự nghiệp. Nhưng đi đến đâu, anh cũng mang theo bộ sưu tập của bản thân. Đó là những bức ảnh, những cuộn băng và chiếc áo đấu anh đã đổi với Ronaldo khi cả hai còn cùng thi đấu ở Serie A. Trên Youtube vẫn còn một video rất dễ thương, ghi lại cảnh lần đầu tiên Ibra đứng chung sân với Ronaldo, trong trận derby Milan năm 2007. Lúc này, Ronaldo đã rất béo, động tác đã chậm chạp và đã sang bên kia sườn dốc. Vậy mà Ibra vẫn nhìn thần tượng thuở bé của anh với ánh mắt trìu mến và ngưỡng mộ không giấu giếm (xem video).

Ibra 3523 1474274535
Một cá tính, kiêu ngạo nổi tiếng như Ibrahimovic không giấu sự ngưỡng mộ Ronaldo từ thuở niên thiếu.

Ibra không phải là cầu thủ hiếm hoi thần tượng Ronaldo. Với thế hệ 7x và 8x, Ronaldo là hiện thân của những gì đẹp đẽ nhất mà bóng đá từng mang đến. Đó là thời kỳ mà internet chưa bùng nổ, truyền hình chỉ vừa mới bước lên đỉnh cao và Ronaldo đã thống lĩnh tất cả. Có một dạo bật tivi lên là thấy hình ảnh của anh. Truyền thông theo anh sát gót. Một nhà máy bia ở Việt Nam từng dùng chương trình khuyến mãi, mua bia tặng băng video ghi lại những bàn thắng của Ronaldo, lượng hàng bán ra đã tăng kỷ lục.

Ronaldo không phải là một cái tên hiếm. Cùng thời với anh, một Ronaldo khác đã phải đổi tên sang thành Ronaldinho, người sau này trở thành huyền thoại ở Barcelona. Thế hệ sau anh, Cristiano Ronaldo giành được vô số danh hiệu cá nhân lẫn tập thể, phá vỡ bao nhiêu kỷ lục. Nhưng anh vẫn chỉ là Cristiano Ronaldo, chứ chưa thể làm cho người ta quên đi cái tên Ronaldo năm nào. Những người thân thiết vẫn gọi siêu sao Bồ Đào Nha là Cristiano. Các bình luận viên quốc tế luôn gọi đủ "Cristiano Ronaldo" chứ không bao giờ gọi không là Ronaldo. Chừng ấy đã là một sự vinh danh dành cho Ronaldo.

Sự nghiệp của Ronaldo chia làm hai giai đoạn đỉnh cao rõ rệt. Một Ronaldo trở lại sau chấn thương và thẳng tiến đến chức vô địch World Cup năm 2002, sau đó sang Real Madrid và chơi những năm đỉnh cao cuối cùng của sự nghiệp. Thế nhưng đỉnh cao trước đó trong thập niên 1990 mới là rực rỡ nhất. Thực ra, anh chỉ lóe sáng trong vòng hai năm. Đấy là năm duy nhất ở Barcelona (mùa 1996-1997) và mùa đầu tiên ở Inter Milan (1997-1998). Nhưng chỉ từng ấy thôi cũng đủ lưu dấu đến vạn niên trong lòng người hâm mộ.

Hai năm ấy, Ronaldo có tất cả những gì mà một tiền đạo có thể thèm khát. Anh chạy nhanh hơn Michael Owen, khỏe hơn Didier Drogba và khéo hơn bất kỳ tiền đạo nào mà thế giới từng biết đến. Khi chấn thương tai ác xảy đến với anh vào năm 1999, Ronaldo mới có 23 tuổi và đã ghi hơn 200 bàn cho Cruzeiro, PSV Eindhoven, Barcelona, Inter và đội tuyển Brazil. Mùa duy nhất ở Barcelona, anh ghi 47 bàn sau 49 trận, đa số là những bàn thắng theo phong cách solo. Trước khi Cristiano Ronaldo và Lionel Messi nâng việc ghi bàn lên tầm nghệ thuật và buộc cánh... thống kê phải vào cuộc, những gì mà Ronaldo làm trong thập niên 1990 là chưa từng có tiền lệ.

ronaldo2 2034 1474274535
Ronaldo trở nên bất tử trong lòng người hâm mộ vì anh toả sáng rực rỡ, dù ngắn ngủi, vào thời đại mà bóng đá thế giới có đầy rẫy những hậu vệ xuất sắc.

Sinh thời, Sir Bobby Robson từng nói về cậu học trò ở Barca: "Ronaldo là cầu thủ duy nhất làm cho khán giả phấn khích khi anh ta nhận bóng từ... giữa sân. Chỉ cần Ronaldo chạm bóng, người ta sẽ đứng dậy và tạo ra những làn sóng người".

Ronaldo nhận bóng ở giữa sân không phải vì anh là tiền vệ. Cũng khó gọi anh là tiền đạo bởi anh rất ít khi bám vòng cấm và rất... lười đánh đầu. Anh thích lùi sâu một chút bởi vì thích có một không gian để chơi bóng. Anh là cầu thủ duy nhất giữ bóng, dốc bóng và ghi bàn mà không bị bất kỳ một HLV và đồng đội nào phàn nàn. "Nhìn anh ấy chơi bóng là đủ vui rồi", Luis Enrique nói.

Khi Ronaldo nhận bóng, ngỡ như anh chỉ có thời hạn 10 giây để xử lý vậy. Anh sẽ dốc bóng thật nhanh và tìm cách dứt điểm một mình. Bán kết World Cup 1998, trận đấu phải bước vào hiệp phụ, vậy mà Ronaldo vẫn có thể tung cú nước rút dài 50 mét, biến Jaap Stam thành một gã hề và buộc Frank de Boer phải mạo hiểm nhoài hết người phá bóng (xem video).

Đến nay, đấy vẫn là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của World Cup, dù pha bóng ấy không thành bàn.

Trước Ronaldo, đã có những trung phong thích dốc bóng. Dixie Dean, Eusebio hay đặc biệt là George Weah. Nhưng không ai dốc bóng nhiều như thế, và càng không ai dốc bóng hay như thế. Anh không chạy vào khoảng trống giữa tiền vệ và hậu vệ, anh chạy vào khoảng trống giữa hai hậu vệ. Trong cú hat-trick nổi tiếng vào lưới Valencia hồi 1996, có hai bàn được thực hiện sau khi anh đi bóng vào giữa hai hậu vệ (xem video).

Họ biết anh sẽ làm thế, nhưng không đủ nhanh để bịt khoảng trống bé nhỏ ấy lại. "Anh ta đâu có phải con người", Jorge Valdano nói. "Đấy là một con dã thú".

Barcelona năm 1996 và 1997 là học viện của những HLV tương lai: Pep Guardiola, Luis Enrique, Laurent Blanc, Julen Lopetegui... ở trong sân, còn Jose Mourinho bên ngoài sân. Nhưng Ronaldo không quan tâm đến chiến thuật. Anh vẫn chuyền bóng khi cần, nhưng anh là cầu thủ phản tiki-taka rõ rệt nhất. Tại sao phải chuyền khi anh có thể dốc bóng thẳng đến khung thành và sút?

Ronaldo cho người ta cảm giác anh chạy với bóng trong chân còn nhanh hơn là chạy chỗ không bóng. "Khi Ronaldo có bóng, tốc độ của anh ấy là 2.000 dặm mỗi giờ", Zinedine Zidane từng nói. Và Ronaldo còn có một điểm rất đáng quý: anh rất hay lừa thủ môn. Các thủ môn khi đối mặt biết là anh sẽ lừa đó, nhưng chẳng hiểu sao vẫn... ngoan ngoãn ngã xuống để anh thoát qua. Bạn có nhờ pha bóng mà anh lừa qua Luca Marchegiani ở chung kết Cup UEFA 1998?

Cũng chung kết năm ấy, Ronaldo so tài với Alessandro Nesta. Tiền đạo giỏi nhất chạm trán hậu vệ tài năng nhất của Serie A thời đỉnh cao. Kết quả là Nesta trở thành bại tướng. Anh nói: "Đấy là trải nghiệm hãi hùng nhất đời tôi. Tôi đã bỏ ra nhiều thời gian để xem lại băng ghi hình, xem mình đã làm gì sai. Rốt cục tôi đi đến kết luận: mình chẳng làm gì sai cả. Vì Ronaldo khi ấy đơn giản là không thể ngăn chặn".

Ronaldo có động tác giả rất độc đáo. Anh liên tục thay đổi trọng tâm từ trái sang phải, đảo chân và đảo cả thân trên, khiến đối phương không biết bắt bài vào đâu. "Bộ trụ của Ronaldo thỉnh thoảng như một VĐV quyền Anh vậy", Sir Bobby Robson nói. Cựu trung vệ Marcel Desailly thì trầm trồ: "Tôi chưa thấy ai kiểm soát bóng tốt đến thế khi di chuyển với tốc độ cao. Xem Ronaldo thi đấu như xem nhân vật trong trò chơi điện tử vậy".

Ronaldo chơi bóng ở Italy, vào cái thời kỳ mà cứ vài mét vuông lại có một hậu vệ xuất sắc. Vậy mà anh vượt qua tất cả. Anh không biết sợ hãi là gì, cứ như đang thi đấu trên sân nhà anh. Gary Neville, hậu vệ của tuyển Anh chạm trán với Brazil ở Tứ hùng 1997, nhớ lại: "Ronaldo và Romario vừa đá vừa cười. Còn chúng tôi thì phải thở ô-xy".

Neville nói không quá, bởi trong những năm cuối thập niên 1990, các hậu vệ phải căng đầu suốt 90 phút khi đối diện với Ronaldo. Lấy trận đấu với Deportivo cuối mùa bóng 1996-1997 làm ví dụ. Lúc trận đấu chỉ tính bằng giây, Ronaldo ngã xuống khi còn cách khung thành 35 mét. Nhưng anh lập tức bật dậy, dốc bóng qua hai cầu thủ với tốc độ chóng mặt rồi hạ nốt thủ môn (xem video).

Từ dưới đất bật dậy, chạm bóng ba lần trước khi ghi bàn, tất cả chỉ mất vài giây.
Ronaldo3 7395 1474274535
"Ngày nay chúng ta đã quen thấy Messi đi bóng qua sáu cầu thủ, nhưng thời ấy chưa ai từng làm những gì Ronaldo làm được," đồng đội cũ Luis Enrique nói về Ronaldo. "Anh ấy là một con quái vật".

Lần đầu tiên người ta nghe đến cái tên Compostela là khi họ bị... Ronaldo chọc thủng lưới, với một bàn thắng đã mang giá trị biểu tượng. Ở tuổi 20, chàng trai ấy đã dốc bóng qua gần như toàn bộ đội hình đối thủ rồi ghi bàn với cú sút trong tư thế chới với (xem video).

Sir Bobby Robson ôm đầu vì không dám tin những gì mình đang chứng kiến. Anh đoạt Quả bóng Vàng cuối mùa giải ấy, ở tuổi 21, đến nay vẫn là chủ nhân trẻ tuổi nhất của giải thưởng. Năm ấy, Ronaldo có 38 phiếu bầu vào vị trí thứ nhất, các cầu thủ còn lại không ai nhận nhiều hơn hai phiếu.

"Không có chấn thương, anh ấy phải ngang với Pele và Maradona", Gianluigi Buffon nói. "Anh ấy có mọi phẩm chất để trở thành số một qua mọi thời đại. Anh ấy như người ngoài hành tinh".

Vâng, Buffon vừa nói đến bốn chữ "người ngoài hành tinh". Có rất nhiều cầu thủ xuất chúng, có không ít những cầu thủ tự mình xoay chuyển cục diện trận đấu. Nhưng không có ai trong số họ được gọi là "người ngoài hành tinh".

Tác giả bài viết: Hoài Thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP