Bà con nông dân xã Châu Thái tiến hành bón phân, làm cỏ cho lúa vụ Hè Thu, Mùa.
Hiện nay, gần 400 ha lúa Hè thu đã bước vào giai đoạn ôm đòng và hơn 2.200 ha lúa mùa đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ. Riêng đối với diện tích lúa vụ mùa, bà con nông dân các địa phương đang tiến hành làm cỏ bằng tay, có một số diện tích bà con nông dân đang cấy dặm lại và tiến hành bón thúc đạm, lân, kaly cho lúa đẻ nhánh khỏe và phát triển tốt.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, sâu non cuốn lá nhỏ lứa 5 đã phát sinh gây hại với tổng diện tích nhiễm toàn huyện là 57ha. Các xã có sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 đã vũ hóa với mật độ trung bình từ 10- 15 con/m2 , nơi cao 70-80 con/m2 đó là Châu Cường, Nghĩa xuân, Yên Hợp, Châu Lý...
Bà con nông dân xã Châu Quang làm chăm sóc lúa vụ Hè Thu, Mùa
Để chủ động phát hiện, phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra trên lúa Hè thu, vụ Mùa, ngành nông nghiệp huyện Quỳ Hợp đã phân công cán bộ phụ trách vùng, tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo, phân trà, bám sát đồng ruộng theo dõi chặt chẽ phát hiện kịp thời, chính xác tình hình sâu bệnh để có biện pháp xử lý.
Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến cáo nông dân khoanh vùng phun trừ những diện tích lúa có mật độ sâu từ 50 con/m2 trở lên đối với lúa Mùa ở thời kỳ đẻ nhánh và 30 con/m2 trở lên đối với lúa Hè Thu ở thời kỳ ôm đòng bằng các loại thuốc đặc hiệu như Ammate 150SC, Clever 150 SC, Takumi 20WG...
Ông Âu Văn Đương, bản Cù, xã Châu Quang tiến hành phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho 4 sào lúa của gia đình vụ Hè Thu, Mùa.
Với sự chỉ đạo sát sao của UBND huyện, của ngành nông nghiệp huyện, chính quyền các địa phương và ban cán sự các xóm bản, tin rằng bà con nông dân ở huyện Quỳ Hợp sẽ có các biện pháp để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả trên cây lúa.
Tác giả bài viết: Minh Nguyệt