Kinh tế

Quỳ Hợp chú trọng phát triển đàn gia súc bản địa

Trong những năm qua, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, đồng cỏ kết hợp với Nghị quyết số 10 của BCH Đảng bộ huyện Quỳ Hợp về phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm bản địa ở các xã vùng sâu, vùng cao giai đoạn 2011-2015, đàn trâu bò và gia cầm ở Quỳ Hợp được duy trì và phát triển mạnh.

Với mục tiêu nâng tỷ trọng chăn nuôi đại gia súc, gia cầm bản địa trong cơ cấu giá trị sản phẩm nông nghiệp từ 6% năm 2011 lên 11% vào năm 2015. Đến năm 2015 các xã vùng cao trên địa bàn toàn huyện có tổng đàn trâu 21.150 con, tăng bình quân hàng năm là 2,2%/năm, đàn bò địa phương 7.460 con, tăng bình quân 1,2%/năm, đàn gia cầm hơn 78.000 con, tăng bình quân 3%/năm.

Để đạt được các chỉ tiêu nghị quyết đề ra, trong thời gian qua từ huyện đến cơ sở ở Quỳ Hợp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con vùng cao bảo vệ các loại gen gia súc, gia cầm bản địa sẵn có. Tổ chức 5 lớp chăn nuôi thú y cho hơn 150 người, xây dựng 42 mô hình chăn nuôi các loại. Tiêu biểu như mô hình: Chăn nuôi lợn đen bản địa ở Nam Sơn, Bò vàng địa phương ở Nam Sơn, Bắc Sơn, nuôi gà cỏ ở Châu Lý, Châu Thái, Vịt Bầu ở Bắc Sơn, nuôi dê cỏ ở Liên Hợp...

images1302535 NG D NG CH M S C N L N
Đàn lợn...
images1302536 QUANG CAOfe123181d03ecd
...và gia cầm bản địa được nhiều hộ dân ở các xã 135 của huyện Quỳ Hợp duy trì chăn nuôi.

Trong vài năm trở lại đây nhận thấy nhu cầu thị trường tăng cao, tận dụng nguồn thức ăn từ sản xuất nên nhiều gia đình đã duy trì và phát triển đàn trâu bò rất tốt. Gia đình anh Trần Đình Lưu - Bản Khúa - Châu Lý - Quỳ Hợp là một trong những số đó, anh cho biết hiệu quả từ chăn nuôi trâu bò của gia đình: Gia đình tôi bắt đầu nuôi trâu bò từ năm 2000, lúc đầu nuôi 10 con. Hàng năm bò sinh sản ra tuyển những con khỏe để làm giống, còn lại bán trâu, bò thịt. Hiện tại đàn trâu bò của gia đình còn hơn 30 con. Để duy trì và phát triển tổng đàn hàng năm thì tiêm phòng định kỳ 2 lần. Nguồn thức ăn thì chủ yếu là tận dụng rơm rạ, chăn thả ngoài đồng, chuồng trại lúc nào cũng phải sạch sẽ, cho ấm áp về mùa đông và thoáng mát về mùa hè. Hiệu quả kinh tế so với các con vật khác thì nuôi trâu bò thấy có lợi hơn, mỗi năm từ đàn trâu bò cho gia anh thu nhập hơn 150 triệu đồng.

Châu Lý là địa phương có tổng đàn trâu bò bản địa nhiều nhất của huyện Quỳ Hợp. Trong những năm qua xã đã có nhiều cố gắng trong việc tiêm phòng, khuyến khích nhân dân duy trì và phát triển tổng đàn trâu bò hiện có. Nhờ đó nhiều năm liên tục trên địa bàn xã không có dịch bệnh lớn xảy ra. Thu nhập từ chăn nuôi trâu bò góp phần không nhỏ vào tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương.

images1302538 TRUNG HIEU THANG 1 2015e83bcd761d05490
Đàn trâu bò của gia đình anh Trần Đình Lưu ở xã Châu Lý

Chị Vi Thị Năm - Thường vụ Hội ND xã Châu Lý cho biết: Tổng đàn trâu bò của xã Châu Lý có hơn 3.000 con. Hàng năm chúng tôi đều thực hiện theo kế hoạch của huyện tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đầy đủ 2 mũi tiêm cho đến nay trâu bò ở xã Châu Lý không có dịch bệnh gì xảy ra. Đặc biệt đàn bò vàng bản địa phát triển rất tốt. Trâu bò cỏ chất lượng thịt ngon, kinh tế cao bán được đắt giá hơn cho nên người dân rất chú trọng vào phát triển giống này.

Sau 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết 10 của BCH Đảng bộ Huyện Quỳ Hợp bước đầu đã ổn định được gen đàn bò vàng địa phương, đàn trâu ở các xã vùng cao. Các xã có tổng đàn gia súc tăng đều hàng năm đó là các xã Châu Lý, Bắc Sơn, Yên Hợp, Hạ Sơn và Nam Sơn. Tổng đàn lợn 53.620 con, thịt lợn hơi xuất chuồng hàng năm đạt 4.500 tấn. Đàn gia cầm 615.000 con, tăng bình quân hàng năm hơn 15.000 con.

Ông Hoàng Văn Thái - Trưởng phòng NN&PTNT Quỳ Hợp đánh giá: Thực hiện NQ10 của Ban chấp hành đảng bộ huyện Quỳ Hợp về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm bản địa của huyện Quỳ Hợp rất hiệu quả. Phòng nông nghiệp đã tham mưu cho UBND huyện trích ngân sách 600 triệu đồng phát triển ngân hàng bò tại Nam Sơn và Bắc Sơn, đến nay phát huy hiệu quả rất tốt. Số bò vàng bản địa được tăng lên. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục quy hoạch lại vùng trồng cỏ, xem xét các điều kiện để tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển gia súc, gia cầm bản địa tạo nguồn lớn để trở thành hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân".

Với những kết quả đạt được trong việc phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm bản địa tại các địa phương vùng sâu, vùng cao trên địa bàn huyện Quỳ Hợp trong thời gian vừa qua đã góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của Quỳ Hợp phát triển, trở thành hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của 14 xã vùng cao đặc thù trên địa bàn Quỳ Hợp.

Tác giả bài viết: Thu Hường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP