Trong nước

Quốc hội 'chốt' mua sắm tập trung thuốc hiếm

Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã thống nhất quy định về mua sắm tập trung đối với mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự luật - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 23-6, với 460/474 tán thành, bằng 93,12% số đại biểu có mặt, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2024.

Rà soát quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế

Trước đó, trình bày nội dung giải trình, tiếp thu dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Chính phủ đề xuất bỏ một điểm quy định của luật hiện hành.

Cụ thể là không áp dụng luật này đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp từ 30% trở lên hoặc dưới 30%, nhưng trên 500 tỉ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Theo ông Mạnh, tại kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội 2 phương án quy định trong luật về nội dung này.

Qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được tiếp thu theo hướng đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và quyền tự chủ của doanh nghiệp, không thu hẹp hoặc mở rộng đối tượng quá mức.

Việc này một mặt bảo đảm việc đấu thầu mang lại lợi ích kinh tế cho bên mời thầu. Mặt khác, bảo đảm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh, bình đẳng, công khai, minh bạch.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định về phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu bao gồm:

Các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Về đấu thầu tập trung, mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, theo ông Mạnh, trong phiên thảo luận hội trường tại kỳ họp thứ 5, nhiều ý kiến đại biểu tiếp tục góp ý đối với các điều, khoản quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội, Bộ Y tế và một số đại biểu làm việc trong ngành y tế về những nội dung tiếp thu, chỉnh lý liên quan đến lĩnh vực y tế.

Trên cơ sở đó, rà soát, thống nhất về thuật ngữ sử dụng trong luật; thống nhất quy định về mua sắm tập trung đối với mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít; rà soát quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế; tiếp thu, bổ sung quy định về thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế trong trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không chọn áp dụng quy định của Luật Đấu thầu; chỉnh lý quy định về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình; chỉnh lý quy định về ưu đãi trong mua thuốc.

Giảm trường hợp chỉ định thầu

Về hình thức chỉ định thầu, theo ông Mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu.

Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung quy định của dự thảo luật chỉnh lý, luật hóa một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đã được quy định tại quyết định 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ nếu tăng cường áp dụng chỉ định thầu thì trong một số trường hợp có thể dẫn đến tình trạng "xin - cho", làm giảm tính cạnh tranh do nhà thầu không thân quen với chủ đầu tư sẽ không có cơ hội được tham dự thầu, doanh nghiệp nhỏ sẽ khó có cơ hội cạnh tranh.

Ngoài ra, hiện nay đấu thầu qua mạng đang được đẩy mạnh với thủ tục đơn giản, tiết kiệm thời gian nên việc mở rộng chỉ định thầu là không cần thiết. Vì vậy, không mở rộng thêm các trường hợp chỉ định thầu.

Tác giả: THÀNH CHUNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP