Không biết từ bao giờ, nhưng theo dấu chân người từ khi khai hoang mở cõi ở vùng đất cuối trời Nam của Tổ quốc, món ăn hủ tiếu đã có mặt. Ngay cả tên và cách viết chữ này cũng đã có nhiều cách thể hiện. Người viết chữ tiếu, người lại viết chữ tíu. Đa số đọc hủ tiếu, nhưng cũng có một bộ phận người bình dân đọc trại thành củ tiếu (?).
Nó đến món hủ tiếu vùng đất phương Nam người ta không thể quên những tô hủ tiếu Nam Vang nóng hổi ở Sài Gòn, Mỹ Tho. Nó là thứ điểm tâm ngon nhưng dân dã hơn phở, dù rằng nước súp chan hủ tiếu cũng khá kỳ công. Một cách chế biến khác, cũng ngon miệng không kém nhưng dễ làm là món hủ tiếu xào.
Xin có đôi dòng nói thêm, cọng hủ tiếu làm từ bột gạo, xắt cọng nhỏ hơn phở. Cọng hủ tiếu tương tự mì sợi nhưng có màu trắng trong khi sợi mì màu vàng hột gà. Sau này, khi chế biến, các nhà máy sản xuất thường sấy hủ tiếu cho khô để dễ bảo quản.
Mỗi khi muốn thay đổi khẩu vị cho bữa ăn gia đình hay nhà có những bữa tiệc nhỏ người ta thường chọn làm món hủ tiếu xào. Đồ để xào với hủ tiếu cũng rất đa dạng từ tép bạc, tôm thẻ đến thịt bò, thịt heo hay lòng gà, vịt, … Để xào hủ tiếu, nguyên liệu giá đậu xanh và hẹ thường được chọn để xào chung. Hai thứ này cũng được làm sạch từ trước.
Món hủ tiếu xào.
Trước khi chế biến, người ta thường đem ngâm hủ tiếu khô ngâm trong nước một thời gian cho cọng mềm lại, sau đó để ráo nước. Có người kỹ tính thì nấu miếng nước sôi nhúng qua, rồi mới trút ra rổ.
Thịt, tôm hay lòng gà, vịt đã chuẩn bị sẵn. Bắc chảo mỡ lên phi tỏi cho thơm rồi cho thịt, tôm vào xào săn lại. Nêm nếm bột ngọt, tiêu, chút nước mắm ngon, … Cho tiếp hủ tiếu vào đảo đều, cuối cùng là giá, hẹ. Hai loại rau này mau chín, có người muốn ăn khi còn mùi thì cần đảo đều chút xíu là nhắc xuống, rắc thêm ít tiêu xay, ít cọng ngò rí lên mặt vừa đẹp mắt vừa tạo mùi thơm.
Gắp hủ tiếu xào ra đĩa, ăn nóng, thêm nước mắm pha với nước cốt chanh, tỏi, ớt, … là có thể no bụng cả buổi.
Món hủ tiếu xào - một món ăn đơn giản của người miền quê Nam bộ nhưng ngon và vẫn đảm bảo được nhu cầu tối thiểu của con người. Hơn thế, đằng sau nó là một sự sáng tạo trong nghệ thuật ẩm thực dân gian. Chính điều đó làm cho người dân quê vẫn cứ thấy vấn vương khi xa cách quê nhà.
Tác giả bài viết: Hồng Khuyên