Kinh tế

Quấy nhiễu bằng tin nhắn quảng cáo, tiếp thị có thể bị xử lý

Người tiêu dùng có quyền gửi đơn yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật, nếu bị quấy nhiễu quảng cáo, tiếp thị trái với ý muốn 2 lần trở lên.

Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng như trên, đồng thời chỉ rõ theo điều 6, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: “Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ; tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý”. Vì vậy, việc các tổ chức, cá nhân thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng mà không thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng là vi phạm quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khi tổ chức, cá nhân kinh doanh muốn gọi điện để thực hiện giao kết hợp đồng với người tiêu dùng thì theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo rõ các thông tin chi tiết, cụ thể của mình ngay từ đầu cho người tiêu dùng như tên doanh nghiệp, địa chỉ liên lạc, số điện thoại liên hệ, nội dung hàng hóa dịch vụ cung cấp…

Người tiêu dùng có quyền gửi đơn thư khiếu nại đến cơ quan chức năng.


Ngoài ra, việc các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện hành vi quảng cáo, tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng là vi phạm khoản 2, Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì thế, trong trường hợp người tiêu dùng liên tục nhận được các quảng cáo không mong muốn từ phía tổ chức, cá nhân kinh doanh thì người tiêu dùng có thể thu thập thông tin liên quan và gửi đơn yêu cầu đến các cơ quan chức năng để giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian qua, việc thường xuyên nhận được các cuộc gọi quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ qua điện thoại đã gây rất nhiều phiền toái cho người tiêu dùng. Việc các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có được số điện thoại của người tiêu dùng để sử dụng vào mục đích quảng cáo, thông thường là do sự bất cẩn của người tiêu dùng trong các giao dịch. Cục Quản lý cạnh tranh khuyên người tiêu dùng không phát tán thông tin cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng, tài khoản hộp thư điện tử, số điện thoại… của mình ra bên ngoài, đặc biệt trên các trang mạng xã hội, cổng thông tin mua bán hàng hóa khi không thật sự cần thiết.

Hiện nay, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng được nhiều nước trên thế giới quan tâm, đặc biệt là việc thu thập số điện thoại của cá nhân để thực hiện các cuộc gọi mà người nhận không mong muốn. Nhiều nước đã đưa ra biện pháp xử phạt thật nặng đối với các trường hợp vi phạm.

Những điều cần thiết

Người tiêu dùng cần chủ động trong việc tự bảo vệ thông tin cá nhân của bản thân trong các giao dịch tiêu dùng, tránh tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng các thông tin đó sai mục đích. Khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, người tiêu dùng có thể gọi điện đến tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.

Tác giả bài viết: Anh Trinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP