Theo người dân ở đây cho biết, thời gian gần đây nhà máy thép Việt Pháp tăng công suất hoạt động từ 22h đêm đến 4h sáng hôm sau.
Đây là thời điểm người dân bị tra tấn bởi bầu không khí ô nhiễm và tiếng ồn do hoạt động tinh luyện sắt thép của nhà máy này.
Theo ý kiến của người dân, nhà máy thép Việt Pháp gây 3 loại ô nhiễm: nguồn nước, khói và tiếng ồn. Người dân mong các cấp chính quyền làm rõ, giải quyết vấn đề để người dân ổn định cuộc sống.
Để gây áp lực, người dân còn chặn xe tải chở phế liệu ra vào khu sản xuất của nhà máy nhằm phản đối và yêu cầu nhà máy phải di dời xa khu dân cư.
Người dân sống quanh nhà máy cho biết, nhà máy thép Việt Pháp hoạt động từ năm 2009, kể từ đó người dân ở đây sống trong ô nhiễm và tiếng ồn. Năm nào người dân cũng dựng lều trước cổng nhà máy thép để phản đối nhưng tình hình vẫn không thay đổi.
Bà Thắng – một người dân ở đây – bức xúc: “Sau một thời gian tạm lắng, mấy ngày gần đây, nhà máy thép hoạt động cả ngày lẫn đêm. Tiếng máy nổ chát chúa, khói đen bốc mùi hôi thối lan tỏa cả một vùng khiến người dân chịu đời không thấu”.
Còn bà Nguyễn Thị Hà, một trong những người đang canh giữ lều trước cổng nhà máy cho hay, lãnh đạo tỉnh và nhà máy thép đã nói đến tháng 6/2017 sẽ di dời nhà máy đến nơi khác, nhưng nay đã tháng 7 mà nhà máy vẫn còn hoạt động.
Trong sáng ngày 11/7, ông Nguyễn Đạt – Phó Chủ tịch thị xã Điện Bàn đã đến cổng nhà máy thép Việt Pháp – nơi người dân đang dựng lều phản đối để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đạt cho biết: “Tôi chỉ động viên bà con, còn chỉ đạo một cách căn cơ thì chờ chỉ đạo ý kiến của tỉnh”.
Nhà máy thép Việt Pháp đầu tư vào cụm công nghiệp Thương Tín (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) diện tích thuê đất gần 2ha, thời hạn thuê là 15 năm. Sau nhiều lần bị người dân địa phương phản đối vì ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của bà con, chính quyền đã đưa ra phương án di dời nhà máy.
Địa điểm được chọn gần đây nhất là tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. Tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt đánh giá tác động môi trường với dự án này; tuy nhiên, địa điểm này vẫn chưa nhận được thống nhất vì nhiều lý do khác nhau.
Theo lãnh đạo thị xã Điện Bàn, địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị với tỉnh với mong muốn di dời nhà máy thép. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp bày tỏ nguyện vọng được hỗ trợ 130 tỷ đồng để chuyển đến nơi khác. Trước mắt, địa phương sẽ yêu cầu nhà máy thép Việt Pháp giảm công suất hoạt động và phối hợp với chính quyền địa phương nhằm giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình sản xuất.
Tác giả: Công Bính
Nguồn tin: Báo Dân trí