Lo ngại
Theo đánh giá của các chuyên gia, ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao gây nhiều hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.
Nguồn nước mặt TP Cần Thơ đang đối diện với nhiều nguy cơ đe dọa, trong đó có ô nhiễm nguồn nước. |
Theo bà Nguyễn Kim Hoàng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP Cần Thơ, hiện nay thành phố có 88,7% dân số đô thị được cấp nước, trong đó nguồn nước cấp cho người dân chủ yếu là nước thô lấy từ sông Hậu, sau đó đươc nhà máy nước xử lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn nước mặt đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, để có nguồn nước ổn định cho nhà máy xử lý, cung cấp cho người dân là vấn đề đáng lo ngại.
Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, chia sẻ: Nguồn nước mặt tại ĐBSCL từ 2 nguồn chính, đó là nước mưa và từ thượng nguồn đổ về. Việc phát triển các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Công cũng như tác động của biến đổi khí hậu gây nên hiện tượng nước biển dâng, xâm nhập mặn đang đặt ra vấn đề khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước mặt cho TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. Sở Tài nguyên và Môi trường hiện đang xây dựng hoàn thành Quy hoạch tài nguyên nước TP Cần Thơ và Đề án Xây dựng danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn TP Cần Thơ. Qua đó, góp phần khai thác hiệu quả, bảo vệ nguồn nước, cũng như ứng phó với khả năng thiếu hụt nguồn nước do xâm nhập mặn và ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.
Tăng cường năng lực quản lý
Để quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước, TP Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển nguồn nước theo hướng bền vững, như: Triển khai có hiệu quả chương trình hành động về thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó quan tâm công tác quản lý tài nguyên nước; triển khai hiệu quả các chương trình, dự án liên quan đến quản lý và bảo vệ môi trường nước và tài nguyên nước; tăng cường nhận thức của cộng đồng về ý thức bảo vệ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước; khuyến khích áp dụng các kỹ thuật, công nghệ trong sử dụng nước để tiết kiệm nước... Bên cạnh đó, thành phố đã và đang tăng cường hợp tác với các nước có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nguồn nước trên thế giới để quản lý, phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước của thành phố. Mới đây, UBND TP Cần Thơ làm việc với Hiệp hội Nước Hà Lan cùng trao đổi việc triển khai thực hiện Dự án Blue Dragon - Nâng cao năng lực quản lý nguồn nước.
Ông Tjeerd Dijkstra, Quản lý dự án, Hiệp hội Nước Hà Lan, cho biết: Dự án Blue Dragon nằm trong khuôn khổ Blue Deal, một thỏa thuận giữa Hiệp hội Nước Hà Lan và một số bộ của Hà Lan với tham vọng đóng góp giải quyết thách thức nước trên toàn thế giới. Việc triển khai Blue Deal là cơ hội để phát triển mối quan hệ hợp tác lâu dài và hiệu quả hơn giữa Hiệp hội Nước Hà Lan và các nhà quản lý nước ở Việt Nam. Dự án Blue Dragon với mục tiêu nâng cao năng lực về quản lý nguồn nước cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Trong đó, TP Cần Thơ là địa phương bắt đầu khởi động Dự án và là cơ sở để phát triển Dự án ra các tỉnh còn lại. Dự án được thực hiện từ năm 2018 đến 2030. Dự án sẽ hỗ trợ TP Cần Thơ đào tạo, tăng cường năng lực, kỹ năng quản lý nguồn nước; xây dựng mô hình thí điểm và tham vấn lẫn nhau cùng chia sẻ những kinh nghiệm quản lý nước hiệu quả.
Trong bối cảnh hiện nay, Dự án Blue Dragon là một cơ hội để thành phố trao đổi kinh nghiệm hiệu quả quản lý nguồn nước. Do vậy, Dự án nhận được sự quan tâm, đóng góp từ các sở, ngành để triển khai hiệu quả tại thành phố. Bà Nguyễn Kim Hoàng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP Cần Thơ mong Hiệp hội Nước Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm về quy hoạch cấp, thoát nước nhằm đảm bảo nguồn nước thô bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu phục vụ cho người dân. Công nghệ xử lý nước của các nhà máy của địa phương đã rất lạc hậu hy vọng phía Hà Lan tư vấn công nghệ để cải tạo, sửa chữa… nâng cao chất lượng nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, hỗ trợ thành phố xây dựng phần mềm tính toán giá nước để có phương án tính giá nước thuyết phục.
ĐBSCL đang có xu hướng sụt lún ngày càng nghiêm trọng do sự suy giảm áp lực của nguồn nước dưới đất. Một trong những nguyên nhân chính là do sự khai thác nước ngầm ồ ạt dưới tác động của quá trình đô thị hóa nhanh và việc chuyển mục đích sử dụng đất. Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, đề xuất mong muốn được Hiệp hội Nước Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm quản lý nước dưới đất một cách hiệu quả. Hiện nay, TP Cần Thơ đang khuyến cáo hạn chế tối đa khai thác, sử dụng nước dưới đất.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp có tác động lớn đến chất lượng và số lượng nước. Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đề xuất Hiệp hội Nước Hà Lan chia sẻ, trao đổi công nghệ xử lý nước thải trong nuôi trồng thủy sản; tăng cường năng lực dự báo nguồn nước dài hạn trong sản xuất nông nghiệp, giúp nhà quản lý, nông dân chủ động sản xuất. Bên cạnh đó, chia sẻ những mô hình hay tiết kiệm nước trong sản xuất, những công trình thủy lợi ứng phó nước biển dâng, xâm nhập mặn…
Theo ông Jan Van Der Molen, Chuyên gia chiến lược hợp tác quốc tế, Hiệp hội Nước Hà Lan, tại Việt Nam, Hiệp hội Nước Hà Lan đã hợp tác nâng cao năng lực quản lý nguồn nước với TP Hồ Chí Minh trong 5 năm và vừa kết thúc trong năm 2018. Từ mô hình đối tác với TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội mong muốn nhân rộng mô hình này tại TP Cần Thơ và các địa phương khu vực ĐBSCL. |
Tác giả: T. TRINH
Nguồn tin: Báo Cần Thơ