Trong nước

Quái dị chuyện lấy quan tài bà Thánh làm thuốc chữa bệnh ở Biên Hòa

Tiếng lành đồn xa, người dân khắp nơi ùn ùn kéo đến mộ bà để đào móc ván hòm về làm thuốc, nên chẳng bao lâu các mảnh ván mục đã bị đào hết và hài cốt bà lộ ra.

Khi du khách tham quan khu du lịch Bửu Long (tọa lạc trên đường Huỳnh Văn Nghệ, phường Bửu Long, TP. Biên Hòa, Đồng Nai), nhìn lên một quả núi nhỏ sẽ thấy một ngôi miếu nhỏ trên đỉnh núi.

Không nhiều người biết rằng, miếu này do dân lập để thờ một nữ pháp sư, chuyên bốc thuốc cứu dân. Sau khi chết hiển thánh thành “Tiên cơ nương nương”. Từ đó, dân đặt tên miếu là “miếu bà Thánh”.

Sự tích bà Thánh “Tiên cương nương nương”

Theo tư liệu trong cuốn “Miếu thờ và lễ hội làm chay ở Biên Hòa” (NXB Đồng Nai, 2015), tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyệt cho rằng, bà Thánh chỉ là một người phụ nữ người Hoa Hẹ bình thường. Bà cùng gia quyến sang Việt Nam sinh sống, lập nghiệp tại thôn Tân Lại (Bửu Long – Biên Hòa) vào thế kỷ XVII.

Còn ông Diệp Minh Thanh, thủ từ miếu hiện giờ nói lại theo lời bà ngoại của ông (bà Năm Kẻo, người coi trông miếu đến khi từ trần) kể rằng, bà Thánh hành nghề bốc thuốc bằng cây lá rừng hái xung quanh núi để cứu nhân độ thế, đồng nghề bà còn là một pháp sư tài giỏi có thể tiên đoán mọi việc. Bà là lớp người lưu dân từ Trung Quốc sang Việt Nam theo danh tướng tổng binh nhà Minh Trần Thượng Xuyên (1675- 1725). Hiện, chưa ai rõ tên tuổi chính xác của bà, nên gọi là bà Thánh.

Tấm bảng chỉ dẫn đường lên cổ miếu bà Thánh. Ảnh: Ngọc Quốc

Tương truyền, để gợi nhớ về cố hương, bà Thánh ra sức trồng 100 cây dương quanh nhà mình, vừa làm thuốc vừa làm cây cảnh. Thật kỳ lạ, bà trồng mãi chỉ sống được 99 cây, còn cây thứ 100 thì thể sống được. Bà bấm độn ngón tay đoán biết trước nếu cây dương thứ 100 sống thì bà sẽ chết. Quả thật, khi trồng xong cây dương thứ 100, cây phát triển xanh tốt thì bà Thánh đột ngột từ trần trong nỗi tiếc thương của dân làng.

Trong cuốn “Biên Hòa sử lược” (xuất bản năm 1972), tác giả Lương Văn Lựu cho rằng, rừng dương của bà Thánh vẫn còn dấu tích là những gốc thông mục sau cơ sở làm đá xanh nổi tiếng ở Bửu Long Đặng Hữu Lợi.


Ngôi miếu nằm trên đỉnh quả núi nhỏ trong Khu du lịch Bửu Long. Ảnh: Ngọc Quốc


Chánh điện trang trọng thờ bà Thánh “tiên cương nương nương”. Ảnh: Ngọc Quốc.

Dân làng và gia quyến tiếc thương nên liệm bà trong chiếc quan tài bằng gỗ cây huỳnh đàn và lập ngôi miếu nhỏ thờ bà ngay tại căn nhà bà sinh sống. Còn mộ bà được chôn tại mảnh đất ven sông Đồng Nai...

Vách hòm mộ bà Thánh chữa được bách bệnh?

Ông Diệp Minh Thanh (65 tuổi), thủ từ miếu nhắc lại những câu chuyện xa xưa mà ông nghe được từ thời bà ngoại ông còn sống, rằng sau một cơn mưa rất lớn ngôi mộ bà Thánh nằm sát sông bị sạt lở làm cho vách hòm của bà Thánh lộ thiên, tỏa mùi hương thơm gỗ cây huỳnh đàn ngan ngát.

Cùng thời điểm ấy, dân vùng Bửu Long mắc dịch bệnh đậu mùa rất nặng. Bà Thánh hiển linh nhập vào một trinh nữ báo mộng rằng dân làng cứ lấy mảnh vách hòm của bà mang về bào mỏng hòa với nước uống sẽ khỏi bệnh ngay. Quả nhiên, một số người hết bệnh dịch.

Ông Diệp Minh Thanh say sưa kể cho tác giả bài viết sự tích về bà Thánh “tiên cương nương nương”. Ảnh: Trí Bùi

Ngôi tháp mộ bà Thánh nằm sau lưng miếu, sát bên triền núi Bửu Long. Ảnh: Trí Bùi

Tiếng lành đồn xa, người dân khắp nơi ùn ùn kéo đến mộ bà để đào móc ván hòm về làm thuốc, nên chẳng bao lâu các mảnh ván mục đã bị đào hết và hài cốt bà lộ ra.

Trước chuyện này, bang trưởng người Hoa Hẹ là ông Huỳnh Phúng lo sợ bị bà “quở phạt” nên tiến hành làm cái lễ bái bà rất lớn rồi cho hốt tro cốt bà đựng vào cái khạp rước về miếu và đem chôn sau lưng miếu cho đến nay...

Miếu bà Thánh nằm trăm năm bình yên trên núi Bửu Long như để minh chứng một thuở lớp người xưa di dân đến mảnh đất Đồng Nai và họ phải bỏ bao công sức khó nhọc để khai phá và xây dựng mảnh đất mới mà an cư lạc nghiệp.

Hàng năm vào ngày 23 tháng 7 (âm lịch), dân chúng tập trung về miếu làm lễ giỗ lớn và trang trọng cho bà Thánh. Ảnh: Ngọc Quốc

Du khách phương xa khi dừng chân bên miếu, bước lên 10 bậc thềm đá vô chánh điện thắp nhang cầu khẩn bà Thánh rồi ra phía sau lưng miếu chiêm ngưỡng ngôi tháp mộ bà được xây dựng bằng gạch men khá độc đáo.

Không gian quanh ngôi miếu bà Thánh nằm trên núi nên thoáng đãng, gió thổi mát rượi sẽ làm cho tinh thần con người cảm thấy bình an và phủi bỏ hết mọi bụi trần...

Tác giả bài viết: Trí Bùi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP