Xã hội

Phó Thủ tướng: Người đi xe ôm, hàng nước cũng hỏi về Sơn Trà

Làm rõ thêm vấn đề quy hoạch Sơn Trà trong phiên chất vấn Bộ trưởng VH-TT-DL chiều nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, đây là vấn đề không chỉ các ĐBQH quan tâm mà "theo dõi trên mạng, đi taxi, xe ôm, hàng nước cũng hỏi về việc này".

XEM CLIP:

“Đây là một điểm mà Bộ VH-TT-DL, cả UBND TP Đà Nẵng phải quan tâm làm việc gì có tính chất chuyên môn thì cần có thông tin hết sức đầy đủ”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Ông cho biết, theo quy định của luật Du lịch, Thủ tướng sẽ phê duyệt quy hoạch du lịch và dựa vào đề xuất của Đà Nẵng thì quy hoạch hai khu là Sơn Trà và Bà Nà. Và đã là khu du lịch quốc gia thì phải có quy hoạch. Quy hoạch khu du lịch Sơn Trà được xây dựng từ cuối 2013.

Ngày 15/2 vừa qua mới công bố tại Đà Nẵng, ngay khi đó đã có ý kiến của Hiệp hội du lịch về quy hoạch này.

"Thủ tướng và tôi đã trực tiếp yêu cầu bằng văn bản đối với Bộ và Đà Nẵng phải xem xét, tiếp thu các ý kiến một cách khoa học, cầu thị và công khai.

Tôi đã trực tiếp đi, nhìn tận mắt những gì đã đang xây dựng và cần bảo tồn, đọc mấy trăm trang tài liệu, gặp kiến trúc sư trực tiếp làm đề án để hỏi, để khách quan nên chưa triển khai quy hoạch khi các bên tiếp thu các ý kiến. Thực tế, quy hoạch chưa hề được triển khai" - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Ông cho hay, trước 2013, UBND TP Đà Nẵng theo thẩm quyền đã phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư cho 25 dự án. Trong đó có 18 dự án du lịch, 11 dự án xây dựng cơ sở lưu trú với 1.400 phòng khách sạn, 1.920 căn biệt thự.

"Nếu biệt thự 2 phòng là trên 5.000 phòng, 3 phòng thì trên 7.000 phòng. Vì vậy, dự án du lịch sinh thái biển Tiên Sa hay trên Sơn Trà phải được cấp phép và nếu có vấn đề phải được UBND TP Đà Nẵng xử lý", Phó Thủ tướng nêu.

Phó Thủ tướng cũng cho hay, quy hoạch Sơn Trà được thực hiện bởi cơ quan tư vấn gồm các nhà chuyên môn và việc phát triển này phải đi đôi với bảo tồn, đảm bảo quốc phòng an ninh.

"Con số 1.600 phòng lưu trú này không phải ý chí hành chính mà theo kiến trúc sư trưởng, đây là tính toán mô hình công thức chuyên ngành du lịch... Hội đồng của Bộ đã lấy ngưỡng thấp và ưu tiên bảo tồn là 1.600 phòng nhưng quy hoạch đến năm 2030" - Phó Thủ tướng nêu rõ.

Bảo tồn không cực đoan là đóng khung lại

Ông thông tin thêm, ngay sau khi quy hoạch Sơn Trà được công bố thì có ý kiến và Chính phủ đã yêu cầu Đà Nẵng làm việc, có ý kiến chính thức.

Báo cáo của Đà Nẵng nói rõ không đồng ý giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng thêm theo kiến nghị của Hiệp hội.

"Tuy nhiên, tôi vẫn có văn bản giao lại Đà Nẵng tiếp tục rà soát, làm việc với Hiệp hội về hướng và quy mô phát triển du lịch ở Sơn Trà trên nguyên tắc phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng nói.

Theo ông, về nguyên tắc, phát triển phải bền vững, đương nhiên phải khai thác tài nguyên, lợi thế so sánh để phục vụ phát triển nhưng phải đảm bảo bền vững.

Khi chưa đảm bảo thì lui lại để khi có đủ điều kiện sẽ làm. Bảo tồn không cực đoan là đóng khung lại. Bảo tồn tốt thì đó là tài nguyên du lịch, hỗ trợ lẫn nhau.

Cũng theo Phó Thủ tướng, Sơn Trà thực ra trong du lịch cả nước đóng góp rất nhỏ, chỉ một phần nghìn nên không ảnh hưởng du lịch cả nước.

Vì thế phát triển Sơn Trà phải nhận được sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng. Hiệp hội du lịch Đà Nẵng là tổ chức xã hội nghề nghiệp, hoạt động trên địa bàn nên ông yêu cầu TP làm việc để đi đến đồng thuận nhằm có quy hoạch tốt phát triển Sơn Trà.

"Tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng là nếu Đà Nẵng sau khi rà soát tất cả các dự án, làm việc với các nhà đầu tư, Hiệp hội mà thống nhất kiến nghị giảm quy mô đầu tư trên bán đảo Sơn Trà xuống, bất cứ mức nào Chính phủ đều đồng ý, miễn là dưới mức ngưỡng 1.600.

Nếu TP thống nhất với các Hiệp hội giữ nguyên trạng Sơn Trà thì Chính phủ cũng hoan nghênh. Cao hơn nữa nếu Đà Nẵng cùng Hiệp hội thấy rằng Sơn Trà chưa cần phát triển du lịch, xin rút khỏi quy hoạch du lịch quốc gia thì Chính phủ cũng sẽ đồng ý", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chính phủ phải vào cuộc, không để Đà Nẵng quyết

Cùng tranh luận về Sơn Trà, ĐB Nguyễn Sỹ Cương thắc mắc: “Tại sao UBND TP Đà Nẵng lại phải đi thỏa thuận với Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, Hiệp hội du lịch là 1 hiệp hội nghề nghiệp, không có pháp luật nào, luật về Hội chưa ra như vậy, không Hội nào được tham gia quản lý nhà nước.

Tôi không hiểu tại sao lại thỏa thuận, UBND TP Đà Nẵng có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về việc làm”.

ĐB Trương Trọng Nghĩa

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhận định bán đảo Sơn Trà không phải của riêng Đà Nẵng. Yêu mến Sơn Trà không chỉ riêng người dân Đà Nẵng mà là người dân cả nước, cũng giống như với Hạ Long, Sơn Đoòng…

“Bao nhiêu xương máu đã đổ để bảo vệ những di sản này, chúng ta còn phải để lại cho con cháu mai sau. Do đó, không thể giao cho UBND Đà Nẵng muốn quyết thế nào cũng được. Khi có vấn đề và cử tri lên tiếng thì các cấp trên phải vào cuộc. Riêng tôi đề nghị, chúng ta phải hỏi ý kiến rộng hơn, Chính phủ phải vào cuộc”, ĐB Nghĩa nói.

Ông cũng cho rằng 300 phòng đã là nhiều. Đã có con số đăng báo là số phòng ở Đà Nẵng đang thừa nhiều. Từ Đà Nẵng lên Sơn Trà chỉ mất 15 phút ô tô.

Do hết thời gian, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sáng mai Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện còn 65 phút để tiếp tục trả lời chất vấn.

Tác giả: Thu Hằng - Hương Quỳnh - Đức Yên - Nguồn clip: VTV

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP