Trong nước

Phó Chủ tịch QH liên tục truy vấn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 'Luật không có điều nào là hy vọng'

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển liên tục truy vấn thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương trong phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 16/8.

Sáng 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016.

Ngay khi mở đầu phần nội dung làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã phê bình sự vắng mặt của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: 'Luật không có điều nào là hy vọng'

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo nguyên tắc đã được Chính phủ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những tờ trình của Chính phủ phải do đích thân bộ trưởng dự họp và trình bày, nếu bộ trưởng vắng mặt thì phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực đó phải trình bày.

Vì vậy, việc Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương trình bày tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là không đúng với quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lưu ý và yêu cầu rút kinh nghiệm.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết kết quả giải ngân vốn nước ngoài 5 tháng đầu năm có sự chênh lệch rất lớn giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Một số bộ, ngành trung ương và địa phương đã giải ngân cơ bản hết kế hoạch, nhưng cũng còn nhiều bộ, ngành trung ương và địa phương giải ngân rất thấp, thậm chí chưa giải ngân.

"Việc giải ngân vốn chậm có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do có sự khác biệt trong công tác đấu thầu giữa các thủ tục trong nước và nhà tài trợ, giải phóng mặt bằng còn chậm, năng lực ban quản lý một số dự án còn hạn chế, vốn đối ứng không đáp ứng đủ nhu cầu, không được giải ngân vốn nước ngoài theo tiến độ thực hiện, công tác xây dựng kế hoạch vốn nước ngoài chưa được các bộ, ngành trung ương và địa phương thực sự quan tâm...", Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương lý giải.

Đối với các dự án đã giải ngân hết kế hoạch, nhưng chưa được bổ sung vốn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công, kéo dài thời gian hoàn thành, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả đầu tư, nhà thầu đang khiếu nại, đòi bồi thường về việc thanh toán chậm,....

Ông Phương cho biết từ các lý do nêu trên, yêu cầu việc điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 giữa các dự án và giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương là rất cần thiết.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã nêu ngay trong báo cáo của Chính phủ có những điều bất hợp lý.

“Phần 3 trang 4 của tờ trình ghi là Chính phủ đang rà soát và chưa có căn cứ để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội điều hòa vốn giải ngân cho các bộ ngành địa phương. Chính phủ dự kiến sang quý II năm 2017 mới báo cáo. Tại sao đang rà soát, chưa có căn cứ mà các anh lại báo cáo?”, ông Hiển đặt câu hỏi.

"Có thực tế là hiện nay một số địa phương, bộ ngành giải ngân rất thấp theo nguyên tắc là phải cắt nhưng lại đề nghị bổ sung là thế nào?", Phó Chủ tịch Quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi.

Ủy ban tài chính ngân sách cũng cho biết việc quản lý vốn ODA có những vấn đề phức tạp vì vậy phải tăng cường quản lý. Vì vậy, Quốc hội khóa XIII đã có đề xuất giám sát việc giải ngân vốn ODA.

"Ngay trong báo cáo của Chính phủ, Quốc hội đã biểu quyết rồi mà vẫn còn 638,5 tỷ đồng chưa phân bổ.

Trong đó, 3 địa phương không có nhu cầu mà vẫn phân bổ. Tại sao lại như vậy?", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tiếp tục truy vấn lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Việc sử dụng vốn ODA cũng rất phức tạp vì những nhà đầu tư cho chúng ta vay vốn đều đưa ra những quy định hết sức ngặt nghèo. Ngặt nghèo về vốn vay, về lãi suất, về ưu đãi, về đấu thấu. Vì vậy, Chính phủ phải xem lại việc quản lý vốn ODA thời gian tới như thế nào.

Ông Hiển cho rằng Luật Đầu tư công quy định rất rõ là dự án phải đầy đủ thủ tục mới được bố trí vốn. "Bây giờ anh lại bảo là chưa đủ thủ tục là sao? Vậy tại sao anh lại trình ra Quốc hội để phân bổ vốn khi chưa đủ thủ tục?”, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Phương cho biết thời điểm trình danh mục dự án để Quốc hội phân giao vốn thì cũng có những dự án được hy vọng là sẽ đáp ứng đầy đủ thủ tục, điều kiện.

Tuy nhiên, ngay như lập tức, Phó Chủ tịch Quốc hội ngắt lời: “Luật làm gì có điều nào tên là hy vọng”.

Ông Hiển cho rằng tờ trình Chính phủ trình không có căn cứ và yêu cầu phải chuẩn bị lại tờ trình.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe lại, và nếu cần thiết thì báo cáo Quốc hội để điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Bà Ngân cũng khẳng định mọi quyết định điều chỉnh, phân bổ phải đúng quy trình nhằm thực hiện nghiêm kỷ cương ngân sách.

Các đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân thấp hoặc hoàn toàn chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2016:

- Có 05 bộ, ngành trung ương và 11 địa phương giải ngân dưới 10% kế hoạch, gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo: 3,5% kế hoạch (kế hoạch: 2.568,268 tỷ đồng), Bộ Y tế: 0,1% (2.146,2 tỷ đồng), Bộ Tài nguyên và Môi trường: 0,5% (300 tỷ đồng), Đại học Quốc gia Hà Nội: 1% (230 tỷ đồng), Khu công nghệ cao Hòa Lạc: 6% (1.627,123 tỷ đồng), Lạng Sơn: 4% (226 tỷ đồng), Quảng Ninh: 1,7% (522,176 tỷ đồng), Hưng Yên: 0,4% (227,1 tỷ đồng), Vĩnh Phúc: 6,6% (373 tỷ đồng), Bắc Ninh: 8,3% (112,9 tỷ đồng), Hà Nam: 8,6% (453,75 tỷ đồng), Thái Bình: 6,3% (106,057 tỷ đồng), Bình Định: 2,8% (342 tỷ đồng), Gia Lai 6,8% (258 tỷ đồng), An Giang: 6,8% (237,807 tỷ đồng); Bạc Liêu: 6% (99,937 tỷ đồng).

- Có 05 bộ, ngành trung ương và 09 địa phương chưa giải ngân kế hoạch, gồm: Bộ Quốc phòng (1.023,8 tỷ đồng), Bộ Công an (217,877 tỷ đồng), Bộ Thông tin và Truyền thông (2,432 tỷ đồng), Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội (25 tỷ đồng), Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (125 tỷ đồng), Thái Nguyên (124 tỷ đồng), Bắc Giang (13 tỷ đồng), Khánh Hòa (9,667 tỷ đồng), Bình Phước (34 tỷ đồng), Tây Ninh (148 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (39 tỷ đồng), Bến Tre (88 tỷ đồng), Vĩnh Long (44 tỷ đồng), Cà Mau (322,073 tỷ đồng).

Tác giả bài viết: Minh Đức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP