Cần Thơ trở thành đầu tàu sẽ góp phần thúc đẩy các địa phương vùng ÐBSCL phát triển, kết nối với các vùng trên cả nước và mở rộng hợp tác với nước ngoài.
TP Cần Thơ luôn chú trọng công tác quy hoạch phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững. |
Đẩy nhanh công tác quy hoạch
Thành phố đang thực hiện lập Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch tích hợp thành phố). Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Cần Thơ, công tác lập Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng nhằm xây dựng và phát triển Cần Thơ trở thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ÐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trên cơ sở Quyết định số 1056/QÐ-TTg ngày 20-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND thành phố đã ban hành chỉ thị và kế hoạch triển khai nhằm cụ thể các yêu cầu, nhiệm vụ và thời gian hoàn thành cho từng cơ quan đơn vị liên quan. Dự kiến, UBND thành phố sẽ sớm trình HÐND thành phố xem xét thông qua quy hoạch này; trình Thủ tướng Chính phủ ngay sau khi HÐND thành phố quyết nghị thông qua nội dung quy hoạch (dự kiến cuối tháng 6-2022).
Theo đơn vị tư vấn, điểm nổi bật chính của Quy hoạch tổng thể TP Cần Thơ là đề ra tầm nhìn cho Cần Thơ, “trái tim” của ÐBSCL, để từ đó chuyển dịch sang các ngành có giá trị cao và trở thành thành phố xanh, đáng sống nhất Việt Nam; triển khai một loạt các hành động để nâng cao điều kiện sống và đẩy mạnh thu hút nhân tài, phát triển du lịch, dịch vụ xã hội, cơ sở hạ tầng, các quận đô thị mới. Ðịnh hướng phát triển kinh tế có trọng tâm rõ ràng được xây dựng các mục tiêu cụ thể. Xây dựng hệ sinh thái để phát triển bền vững; hệ sinh thái các ngành hỗ trợ lẫn nhau và được tích hợp với định hướng môi trường và xã hội, đồng thời có vai trò lớn ở khu vực ÐBSCL. Chiến lược cho Cần Thơ đến năm 2030: “trái tim” của vùng ÐBSCL; phát triển trở thành trung tâm kinh doanh nông sản và trung tâm sản xuất giá trị cao của vùng ÐBSCL. Trở thành thành phố thông minh đáng sống ở Việt Nam vào năm 2050.
Trong các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng xác định thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị trên cơ sở phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế không chỉ của thành phố mà của vùng ÐBSCL. Xây dựng quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng ÐBSCL. Quy hoạch đô thị theo hướng đô thị sông nước sinh thái, văn minh và hiện đại; đô thị hạt nhân của vùng ÐBSCL, có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. Mở rộng không gian và chức năng đô thị. Thí điểm xây dựng đô thị thông minh và mô hình quản trị đô thị ở một số quận trong giai đoạn 2020-2025, nhân rộng ra toàn thành phố sau năm 2025…
Tập trung phát triển các đô thị trung tâm
Từ định hướng trong Nghị quyết 59-NQ/TW, thời gian qua, thành phố đã tập trung nguồn lực từng bước xây dựng và phát triển quận Ninh Kiều thành đô thị trung tâm TP Cần Thơ. Ðầu năm 2022, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 30-12-2011 của Thành ủy về xây dựng và phát triển quận Ninh Kiều thành đô thị trung tâm TP Cần Thơ (Nghị quyết 05), nhằm đánh giá những kết quả đạt được, đề ra các giải pháp thời gian tới để đầu tư cho đô thị trung tâm thành phố.
Ông Huỳnh Trung Trứ, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: Trong 10 năm qua, thành phố có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cho quận. Có 54/60 dự án, công trình đầu tư trên địa bàn quận Ninh Kiều giai đoạn 2016-2020 theo danh mục kèm theo Quyết định 3227/QÐ-UBND của UBND thành phố; trong đó hoàn thành 32 công trình và đang thực hiện 14 công trình trên tổng số 50 công trình thuộc vốn đầu tư công, hoàn thành 1 dự án và đang thực hiện 7 dự án trên tổng số 10 dự án doanh nghiệp đầu tư… đã góp phần thúc đẩy đô thị trung tâm phát triển.
Công trình nâng cấp đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Rạch Ngỗng 2) đã đạt tiến độ hơn 70% (thảm nhựa lớp 1), phấn đấu hoàn thành trong tháng 5-2022, góp phần chỉnh trang đô thị Ninh Kiều khang trang, hiện đại. |
Từ năm 2012 đến tháng 9-2021, quận Ninh Kiều thu hút 21 dự án đầu tư ngoài ngân sách (quy mô 512,24ha), tổng vốn đầu tư hơn 22.762 tỉ đồng. Giai đoạn 2012-2021, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn quận đạt 116.647 tỉ đồng. Song song đó, hạ tầng giao thông cũng được quan tâm phát triển, kết nối giao thương thuận lợi, quận có trên 200 tuyến hẻm được đầu tư nâng cấp, mở rộng, nâng tỷ lệ tuyến hẻm được bê tông, trải nhựa đạt trên 94% (trong đó có 70,2% tuyến hẻm mở rộng trên 4m). Từ nguồn lực đầu tư của khu vực tư nhân, hạ tầng thương mại, dịch vụ du lịch, tài chính tại quận phát triển khá nhanh, với 15 siêu thị, trung tâm thương mại và 18 chợ truyền thống đang hoạt động…
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 31-12-2021 của Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố “Về xây dựng và phát triển quận Bình Thủy trở thành đô thị văn minh, hiện đại của TP Cần Thơ” cũng được nhấn mạnh là nhiệm vụ chính trị quan trọng, không chỉ của riêng Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thủy mà còn là nhiệm vụ của Ðảng bộ và cả hệ thống chính trị thành phố. Trong đó, xác định nguồn lực nội tại của Bình Thủy là chủ lực, nguồn lực thành phố có vai trò hỗ trợ, thúc đẩy nhanh sự phát triển của quận… Với mục tiêu xây dựng quận Bình Thủy trở thành đô thị văn minh, hiện đại của thành phố; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; là trung tâm phát triển dịch vụ logistics, công nghiệp, thương mại, du lịch, liên vận hàng không; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở mức cao...
Về mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 12-NQ/TU, đến năm 2025, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quận đạt từ 50.000 tỉ đồng trở lên; xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị phần lớn đạt các tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 85% trở lên; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt trên 98,5%; thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trong dân đạt trên 98%; thu gom chất thải rắn đạt 100%; phát triển kho bãi, hạ tầng giao thông và các dịch vụ hậu cần liên quan đến Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ, đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa tập trung của thành phố và vùng ÐBSCL. Ðến năm 2030, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt từ 65.000 tỉ đồng trở lên; trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc Trung ương; phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 100%; thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trong dân đạt trên 99%; thu gom chất thải rắn đạt 100%; là trung tâm phát triển dịch vụ logistics, công nghiệp, thương mại, du lịch, liên vận hàng không quốc tế của thành phố…
Cùng với quy hoạch phát triển các quận trung tâm, khi quy hoạch tích hợp thành phố hoàn thành sẽ tạo nền tảng cơ sở để xây dựng các trục phát triển, từng bước đưa Cần Thơ trở thành đầu tàu kinh tế, văn hóa, xã hội... vùng ÐBSCL.
Tác giả: Anh Khoa
Nguồn tin: Báo Cần thơ