Chợ nổi và hệ thống cồn nổi là hai giá trị văn hóa sông nước dễ nhận diện và mang tính biểu trưng cao nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Ðây cũng là hai loại hình văn hóa sông nước được sử dụng như tài nguyên trong khai thác, phát triển du lịch, làm nên sản phẩm riêng có tại vùng đất Chín Rồng. Không ngoại lệ, tại Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng là nét đặc trưng sông nước, là không gian văn hóa gắn liền với lịch sử vùng đất, là tài sản quý cần được gìn giữ. Và tour chợ nổi Cái Răng luôn trong hành trình khám phá Cần Thơ của hầu hết các công ty du lịch lữ hành.
Tuy nhiên, khi giao thông và giao thương đường bộ, hàng không ngày càng phát triển, hoạt động của chợ nổi Cái Răng dần thu hẹp, không còn tấp nập như xưa. Đứng trước thực trạng “chợ nổi không còn nổi”, từ năm 2016, Ðề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” đã được TP Cần Thơ triển khai, với 13 hạng mục, hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là giữ chân thương hồ, bảo tồn văn hóa chợ nổi Cái Răng.
Hoa hậu Liên lục địa Lê Nguyễn Bảo Ngọc đại diện hình ảnh cho “Ngày hội Du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng” năm 2023. |
Cùng với đề án, hàng năm, UBND quận Cái Răng sẽ tổ chức “Ngày hội Du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng”, với nhiều hoạt động, gian hàng như: Hội thi “Nét đẹp áo bà ba xưa và nay”; hội thi trưng bày mô hình ghe, tàu - cây bẹo mua bán nông sản tại chợ nổi Cái Răng; diễu hành tàu trên sông, vớt rác trên sông; các gian hàng quảng bá xúc tiến du lịch, giới thiệu đặc sản, bánh dân gian Nam Bộ, biểu diễn đờn ca tài tử trên sông..., nhằm tái hiện lại nét văn hóa chợ nổi xưa đến du khách. Được biết, năm nay, Ngày hội Du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng” diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9/7, có khoảng 15 hoạt động, với quy mô trên 60 gian hàng.
Năm nay có điểm mới là mặt bằng được UBND quận đầu tư mới hoàn toàn, các công tác sắp xếp ghe mua bán tại chợ nổi cũng đã được triển khai. Điều đặc biệt năm nay, Ban tổ chức ngày hội cũng đã phối hợp với hoa hậu Lê Nguyễn Bảo Ngọc làm đại diện hình ảnh cho chợ nổi, để cùng kêu gọi tham gia hưởng ứng các hoạt động chợ nổi. Tận dụng hệ thống cồn nổi làm du lịch là hướng đi “thuận tự nhiên” Cần Thơ triển khai trong phát triển ngành công nghiệp không khói. Trong đó, HTX du lịch Cồn Sơn nổi tiếng với “tuyệt chiêu” huấn luyện những loài vật quen thuộc trong đời sống hằng ngày thành những mô hình độc lạ, như cá trê ăn trên cạn, cá lóc bú bình.
Để góp phần phong phú thêm du lịch mang phong vị đồng quê sông nước, Cồn Sơn đã cho ra mắt những con ếch làm xiếc vào dịp Hè 2023.Cùng với du lịch sông nước, du lịch nông nghiệp cũng là một trong những định hướng phát triển được ngành du lịch Cần Thơ chú trọng dựa trên tài nguyên bản địa. Huyện Phong Ðiền, quận Thốt Nốt, quận Bình Thủy là những địa phương triển khai tốt nhất hoạt động với nhiều mô hình gắn với bản sắc riêng.
Chợ nổi Cái Răng làm nên nét văn hóa độc đáo của Cần Thơ. |
Thực hiện Chương trình hành động theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trong lĩnh vực du lịch gồm 3 chương: Mục tiêu và yêu cầu; Nhiệm vụ trọng tâm và Tổ chức thực hiện, TP Cần Thơ đã từng bước đổi mới hoạt động du lịch, định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với thực tiễn sau đại dịch Covid-19 là: Du lịch đường sông và du lịch kết hợp sự kiện (MICE).
Để thu hút khách du lịch bên cạnh đổi mới các mô hình trải nghiệm tại các khu - điểm du lịch, thành phố cũng chỉ đạo các cơ sở lưu trú cải tạo cảnh quan môi trường, nâng cấp hạ tầng du lịch khang trang, hiện đại, không chỉ đủ điều kiện nghỉ dưỡng của du khách mà còn đáp ứng việc tổ chức những sự kiện quy mô toàn quốc.
Thống kê từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay các cơ sở lưu trú đã phục vụ gần 1,7 triệu khách, tăng 34% so cùng kỳ, đạt 62% kế hoạch năm. Tổng doanh thu từ du lịch của Cần Thơ trong 6 tháng qua ước đạt hơn 3.300 tỷ đồng, tăng 59% so cùng kỳ, đạt 72% kế hoạch năm.
Tác giả: T.H
Nguồn tin: congluan.vn