Kinh tế

Phát triển ĐBSCL cần 'thuận thiên' để không hối tiếc

Ngày 14-12, Trường Đại học (ĐH) Cần Thơ phối hợp với Thời báo Kinh Tế Sài Gòn tổ chức hội thảo “Sau một năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Phải chuyển đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và nhiều chuyên gia sẽ phân tích những việc đã làm được, chưa làm được và đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả NQ 120.

Thực tế một năm qua, một số tỉnh, thành ĐBSCL đã ra NQ chuyên đề và một số bộ, ngành đã xúc tiến một số chương trình nhằm thực hiện NQ 120. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn xa so với mục tiêu, quan điểm và giải pháp thực hiện mà NQ đã đề ra; trong đó có vấn đề thiếu liên kết và kinh phí.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng muốn giàu thì cần chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.

"Đây là một hành trình cần sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia và cần thiết có một cơ quan điều phối. Tư duy kinh tế cần và phải được dẫn dắt bởi cộng đồng doanh nghiệp và sự tham gia nhiệt thành của các nhà khoa học.

Vì vậy, trong khi chúng ta kiến nghị có một cơ chế điều phối cấp vùng trong điều kiện còn rất nhiều điều băn khoăn, lúng túng về cơ chế, thể chế thì tại sao chúng ta không hình thành một thiết chế với tên gọi "hiệp hội cho từng ngành hàng chủ lực" trong vùng?

Đây chính là thiết chế đa thành phần, có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý chuyên ngành và những người nông dân, mà đại diện là các hợp tác xã, hội quán” - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhận định.

"Thuận thiên dã tồn, nghịch thiên dã vong"

Trước đó, phát biểu tại hội nghị chuyên đề để có NQ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh ĐBSCL phát triển theo hướng “thuận thiên” là chính. Một trong những quan điểm được nhấn mạnh trong NQ là phải tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn. Phát triển bền vững vùng ĐBSCL vì lợi ích chung của đất nước, Tiểu vùng sông Me Kong và quốc tế.

Bàn về nội dung này, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - ĐH Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu đã được nông dân các nơi triển khai, đánh giá bước đầu các giải pháp này hoàn toàn phù hợp với những thay đổi tự nhiên và các biến động thời tiết, giúp cải thiện sinh kế, thu nhập và giảm thiểu rủi ro.

Một số mô hình canh tác chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang các hình thức canh tác bền vững hơn trên nền lúa như mô hình lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen, lúa - màu, lúa - cây ăn trái… đồng thời kết hợp với chế biến nông sản, làm du lịch.

Mô hình lúa - màu (sen, rau), lúa - cây ăn trái, kết hợp du lịch ở vùng ngập lũ sâu hoặc lũ nông ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long,…

Đây là các mô hình chuyển đổi canh tác rất thuận thiên, theo hướng bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái và ứng phó hiệu quả với các biến động khí hậu, rất hợp lý với tinh thần NQ 120.

“Các tiếp cận để thích nghi với hiểm họa thiên nhiên của thế giới hiện nay là “thích nghi và chuyển đổi dần theo thời gian trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định”, đặc biệt là thích ứng dựa vào hệ sinh thái và thích ứng dựa vào các giá trị, cơ chế và kiến thức của cộng đồng trong tiến trình ra quyết định.

Điều này hoàn toàn thuận thiên, giảm bớt sự can thiệp thô bạo vào thiên nhiên và tránh được khả năng “hối tiếc” về sau do những yếu tố bất định của một thế giới đang trong thay đổi nhanh chóng. Như câu "thuận thiên dã tồn, nghịch thiên dã vong" để nói về phát triển thuận thiên ở ĐBSCL” - ông Tuấn Anh nhận định.

Theo cách đó, trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản, cần theo trình tự là từ tìm các giải pháp khoa học-kỹ thuật sản xuất và hệ thống canh tác thích nghi; kết hợp giải pháp công trình nhỏ để ít đầu tư và quản lý linh hoạt; chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp và đầu tư công trình lớn hơn để quản lý rủi ro và chấp nhận hy sinh một số yếu tố môi trường - sinh thái...

Tác giả: HẢI DƯƠNG

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

  Từ khóa: ĐBSCL , sản xuất , kinh tế

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP