Tin địa phương

Phát triển chế biến và bảo quản nông sản

Chế biến nông sản phát triển thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ nền nông nghiệp tự cung tự cấp sang nông nghiệp hiện đại, sản xuất lớn phục vụ xuất khẩu.

Qua đó, góp phần đưa nền nông nghiệp nước ta hội nhập thành công với thị trường thế giới, phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Nỗ lực tạo giá trị gia tăng

Đến nay, nước ta đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản có công suất thiết kế chế biến trên 100 triệu tấn nguyên liệu/năm, có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn xuất khẩu, trong đó chế biến nông sản hơn 2.600 cơ sở, chế biến thủy sản hơn 760 cơ sở, chế biến gỗ khoảng 4.500 cơ sở. Ngoài ra, còn có hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình làm nhiệm vụ sơ chế và chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa. Hiện công nghệ chế biến nông sản Việt Nam đạt mức trung bình của thế giới, một số ngành hàng hoặc một số sản phẩm trong một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm của khu vực và thế giới, như chế biến hạt điều, chế biến lúa gạo, tôm, cá tra...

Một cơ sở tại huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre chế biến phụ phẩm vỏ dừa thành chỉ xơ dừa và mụn dừa- nguyên liệu sản xuất nhiều sản phẩm giá trị gia tăng. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Bên cạnh các kết quả tích cực, khâu chế biến và bảo quản nhiều loại nông sản ở nước ta được đánh giá là chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sản xuất nông nghiệp và chưa tạo được giá trị gia tăng nhiều. Công nghiệp chế biến đóng góp vào làm tăng giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa còn hạn chế, tác động đến việc thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi chưa mạnh. Đối với nhiều ngành hàng, công nghiệp chế biến chưa phát triển đáp ứng yêu cầu, thậm chí đang là “nút thắt” trong chuỗi giá trị, một số ngành hàng khâu chế biến chỉ mới sử dụng 5-10% sản lượng nông sản sản xuất ra, thể hiện rõ nhất là thịt và rau quả. Các ngành hàng có khâu chế biến tương đối phát triển như: điều, thủy sản, đồ gỗ, lúa gạo, cà phê... thì sản phẩm chế biến chủ yếu là sản phẩm thô nên chưa làm tăng giá trị nhiều cho nông sản nước ta.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trình độ công nghệ chế biến nông sản của nước ta cũng chưa cao, tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng cao còn thấp, chủng loại sản phẩm chưa phong phú. Hệ số đổi mới thiết bị trong những năm qua mới chỉ ở mức 7%/năm, chỉ bằng 1/2 đến 1/3 mức tối thiểu của nhiều nước khác. Trình độ công nghệ chế biến một số mặt hàng nông sản đạt 80% ở mức trung bình trở xuống. Các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chiếm khoảng 80% sản lượng. Tổ chức liên kết, chế biến và tiêu thụ còn hạn chế, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu...

Tháo gỡ khó khăn

Sản xuất nhiều loại nông sản ở nước ta còn manh mún, nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình. Nhiều ngành hàng chưa được tổ chức tốt theo mô hình chuỗi giá trị, với sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường nên doanh nghiệp khó thu mua, giám sát, quản lý chất lượng, giá cả nguyên liệu đầu vào để phục vụ chế biến và tăng các chi phí phát sinh làm giảm hiệu quả đầu tư. Trong khi cơ chế chính sách của Nhà nước còn bất cập, nhất là một số chính sách về đất đai, tài chính tín dụng, khoa học công nghệ... chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh...

Chế biến gạo xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở quận Thốt Nốt,TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Các cơ sở chế biến nông sản ở nước ta phần lớn là quy mô nhỏ và vừa (chiếm 90%), trình độ công nghệ thấp, hiệu quả sử dụng các dây chuyền mới chưa cao do còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng. Để chế biến ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, cần vốn đầu tư lớn và công nghệ phức tạp, trong khi phần lớn doanh nghiệp còn thiếu vốn và khó tiếp cận các nguồn vốn vay lãi suất thấp...

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, kiến nghị Bộ NN&PTNT và các bộ ngành Trung ương, hỗ trợ các địa phương mời gọi các nhà đầu tư phát triển chế biến nông sản. Đặc biệt, là hỗ trợ kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trái cây vì cây ăn trái còn nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần sớm ban hành danh mục các loại chất, hóa chất được sử dụng làm chín trái cây. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản của địa phương tham gia các hội chợ quốc tế để quảng bá nông sản, mở rộng thị trường. Ngân hàng nhà nước cần tăng cường nguồn vốn và cơ chế chính sách cho ngân hàng thương mại để hỗ trợ thực hiện chế biến, bảo quản nông sản, giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Thời gian qua, ngành hàng lúa gạo nước ta có nhiều đổi mới, khâu chế biến được đầu tư phát triển, chất lượng sản phẩm được nâng cao và có nhiều giống lúa gạo ngon, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và thị trường thế giới. Tuy nhiên, gạo chủ yếu còn xuất khẩu dạng thô, các sản phẩm chế biến từ lúa gạo chưa nhiều, giá trị gia tăng chưa cao. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An- TP Cần Thơ cho biết, năng lực sấy lúa và bảo quản lúa sau thu hoạch còn hạn chế do thiếu nhà máy sấy và kho dự trữ lúa bởi phần lớn kho của doanh nghiệp hiện nay là kho chứa gạo. Trong khi, dự trữ lúa mới để lâu được, còn lúa xay ra gạo sau 3 tháng thường bị xuống màu, giảm chất lượng. Để nâng cao giá trị ngành lúa gạo, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn để khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao, gắn với đầu tư xây dựng các hệ thống sấy lúa, silo chứa lúa và các dây chuyền chế biến hiện đại. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng, năng lực dự trữ, bảo quản sản phẩm để chủ động bán ra thị trường vào thời điểm có lợi về giá.

Tác giả: KHÁNH TRUNG

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP