Nhiều hiện vật được thu giữ
Tại hhố khảo cổ thứ 3 ở nhà ông Nguyễn Hữu Oánh, đoàn thám sát đã đào được vào một lớp đất lạ có dấu hiệu khác với các tầng đất khác, nằm ở độ sâu khoảng 0,5 m. Theo quan sát, đây là một lớp sỏi đằm trộn cát khác với lớp đất bình thường bên cạnh nghi là liên quan đến một công trình kiến trúc. Lớp đất này nằm một nửa ở hố khảo cổ có màu vàng pha trắng như dấu của cát và sỏi. Tầng đất lạ này hiện được giữ nguyên, còn tầng đất bên cạnh được đào xuống tiếp tục.
Nền đất lạ tại hố khảo cổ nhà ông Nguyễn Hữu Oánh
Tại hố khảo cổ thứ 2 trước sân chùa Vạn Phước cũng đào được một mẩu vật tựa như thanh đoản kiếm lưỡi cong. Nhiều gạch, mảnh sứ, một số mảnh sành cũng đào được nhiều ở 3 hố.
Dự kiến, trong những ngày tiếp theo, các chuyên gia khảo cổ học sẽ đào thêm 2 hố tại chùa Thuyền Lâm trong tổng số 5 hố đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đồng ý. Các hố này sẽ đào tới tầng sinh thổ đất gốc để xem xét, tìm kiếm các hiện vật phục vụ cho khảo cổ. Trước đó, trong 2 ngày thăm dò khảo cổ, các chuyên gia đã thu giữ nhiều hiện vật nhằm phục vụ nghiên cứu.
Các chuyên gia đang khảo cổ tại vị trí có nền móng lạ
Như Báo Người Lao Động online đã đưa tin, ngày 6-10, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế đã công bố quyết định của Bộ VH-TT&DL về việc thăm dò khảo cổ tại khu vực gò Dương Xuân, phường Trường An nhằm tìm kiếm những tư liệu nghiên cứu cho giả thuyết về phủ Dương Xuân, điện Đan Dương và sau đó là Đan Lăng - nơi chôn cất vua Quang Trung.
Giả thuyết này được ông Nguyễn Đắc Xuân đúc kết sau hơn 30 năm dày công tìm kiếm các tư liệu lịch sử, văn học trong và ngoàn nước cũng như nhiều lần điền dã.
Dự kiến, việc thăm dò khảo cổ lần này sẽ kéo dài đến ngày 15-10.
Tác giả bài viết: Q.Nhật