Số hóa

Phận hẩm hiu của nhiều smartphone bom tấn tại Việt Nam

Ngoại trừ iPhone và Galaxy S7 edge, gần như tất cả các dòng smartphone cao cấp còn lại gần như không tạo được sức ảnh hưởng nào trên thị trường.

Nhìn các đại lý bán lẻ rầm rộ chạy các chương trình đặt hàng iPhone 7, 7 Plus kèm hoạt động quảng cáo, hẳn nhiều nhà sản xuất di động tại Việt Nam không khỏi chạnh lòng.

Apple không có đại diện chính thức tại Việt Nam. Mọi hoạt động bán hàng, quảng bá sản phẩm của họ đều do nhà bán lẻ (kiêm nhà phân phối) trong nước đảm nhiệm. Tuy nhiên, hiệu quả bán hàng thực sự vượt xa các nhà sản xuất còn lại bởi sức hút của bản thân sản phẩm.

Theo số liệu công bố bởi hàng loạt nhà bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop hay Viễn Thông A, mỗi nơi đều nhận cả nghìn lượt đặt trước sản phẩm.

Lượng đặt trước iPhone 7, 7 Plus tại một số hệ thống bán lẻ lớn trong nước tính đến ngày 8/11. Đồ họa: Duy Tín.

Nhìn ra thị trường, chỉ có dòng Galaxy cao cấp của Samsung có khả năng mang đến những hiệu ứng tương đương. Tuy nhiên, sản phẩm khả dĩ nhất cạnh tranh với iPhone là Galaxy Note 7 lại gặp sự cố thu hồi chỉ sau khoảng một tháng lên kệ tại Việt Nam, kéo theo khá nhiều hệ lụy cho nhà sản xuất. Rất may, Samsung còn có bộ đôi Galaxy S7 và S7 edge.

Nhìn rộng ra, không chỉ có Note 7 mà nhiều di động cao cấp khác cũng chịu số phận hẩm hiu tại thị trường Việt Nam, theo những cách khác nhau.

LG G5 - smartphone được xem là sáng tạo bậc nhất dịp đầu năm với camera kép, thiết kế module - thậm chí còn không được bán tại Việt Nam do hãng sản xuất đang trong giai đoạn tái cơ cấu về mặt tổ chức.

Tuy nhiên ngay cả khi có về nước, tương lai của nó có vẻ cũng không sáng sủa. Bằng chứng là ở thị trường xách tay, cái tên LG G5 gần như không tồn tại, ngay cả khi máy có giá bán tốt. Một chiếc LG G5 qua sử dụng hiện có giá bán khoảng 7 triệu đồng, thấp nhất trong số các model đầu bảng năm 2016.

Với HTC 10, mọi chuyện không khá khẩm hơn. Smartphone này được đánh giá cao với thiết kế nam tính, cấu hình mạnh và camera chất lượng. Tuy nhiên, những đánh giá này không có ý nghĩa nhiều khi doanh số sản phẩm khá lẹt đẹt.

Theo báo cáo doanh số từ Thế Giới Di Động, HTC 10 chưa tuần nào đạt doanh số 100 máy trên hệ thống 900 cửa hàng của hệ thống. Mức bán này còn thua kém cả iPhone SE 16 GB, mẫu iPhone chính hãng được xem là có doanh số tệ nhất.

Sony, ông lớn di động một thời, tỏ ra biết mình biết người khi chọn cách bỏ qua model Xperia X Performance cao cấp nhất tại Việt Nam, tập trung vào những smartphone tầm trung như Xperia XA hay XA Ultra.

Khi ra mắt Xperia XZ, hãng chào bán máy với giá 14,99 triệu đồng, thấp chưa từng có cho một mẫu máy đầu bảng của Sony. Nhờ đó, XZ có doanh số không tồi. Tuy nhiên, để so sánh với iPhone hay Galaxy S7 edge, XZ vẫn chưa phải đối thủ.

Samsung Galaxy Note 7 là chiếc di động cao cấp yểu mệnh nhất từ trước đến nay. Ảnh: Thành Duy.

"Cuộc đua đã đến hồi kết. Thị trường di động cao cấp hiện có 2 tên tuổi làm bá chủ là iPhone và Galaxy, khá giống với Coca và Pepsi ở thị trường nước giải khát", ông Mai Triều Nguyên - Giám đốc hệ thống di động Mai Nguyên Luxury Mobile chia sẻ.

Theo ông Nguyên, sự thất thế của hàng loạt mẫu di động cao cấp trước iPhone, Galaxy do chính bản thân các nhà sản xuất. Ngoài 2 di động này, mỗi dòng điện thoại cao cấp hiện nay đều gặp vấn đề: "Có hãng thì tạm dừng kinh doanh tại Việt Nam, chờ tìm mô hình mới. Họ có sản phẩm không tệ nhưng cách bán hàng và tiếp thị có vấn đề. Có hãng lại đi mãi một lối mòn".

Ông này dự đoán, thị trường di động cao cấp sẽ còn phân hóa sâu sắc hơn vào năm tới. "Mọi cuộc chiến khốc liệt đều phải có hồi kết. Không đủ sức cạnh tranh, những hãng yếu phải chấp nhận sống cầm chừng với thị phần một vài phần trăm. Trong khi đó, 2 ông lớn Apple và Samsung sẽ chiếm lĩnh mạnh mẽ ở nhóm cao cấp".

Tác giả bài viết: Thành Duy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP