Giáo dục

Phấn đấu vươn tầm cao mới

Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) là một trong những đại học uy tín của cả nước về chất lượng đào tạo, môi trường sư phạm và đầu tàu trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu. Đó là nền tảng để ĐHCT phấn đấu trở thành một trong những trường hàng đầu về chất lượng của Việt Nam và nằm trong nhóm các trường mạnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2022.

Khẳng định vị thế

Ngày 31-3-1966, trường đại học đầu tiên ở miền Tây được thành lập, mang tên Viện ĐHCT. Sau năm 1975, trường lấy tên Trường ĐHCT đến nay. 52 năm qua, Trường đã cung cấp trên 160.000 kỹ sư, cử nhân, khoảng 9.000 thạc sĩ và 100 tiến sĩ cho ĐBSCL và cả nước; tỷ lệ sinh viên có việc làm tăng qua từng năm (năm 2017, tỷ lệ này là 90,2%).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan phòng truyền thống Trường ĐHCT.

Theo PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền, Bí thư Đảng ủy - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, những năm qua trường luôn quan tâm đến việc phát triển nguồn lực và liên tục phát triển các ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của vùng ĐBSCL. Không chỉ phát huy thế mạnh truyền thống trong các ngành, chuyên ngành thuộc nông nghiệp; gần đây, trường mở ngành phục vụ dịch vụ logistics, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin... Trường đã kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT và tiêu chuẩn AUN-QA; đã có 5 chương trình đạt chuẩn chất lượng AUN-QA.

Trường ĐHCT còn là cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Những năm 2006-2016, doanh thu từ hoạt động này của trường trên 316 tỉ đồng. Hằng năm, trường thực hiện khoảng 250 đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ, với kinh phí khoảng 50 tỉ đồng. Những đề tài nghiên cứu khoa học do cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường thực hiện luôn gắn kết với các địa phương vùng ĐBSCL, góp phần đưa ĐHCT trở thành một trong 19 trường đại học trọng điểm của cả nước.

Để phát triển xứng tầm

Trường Đ​ại​ họ​c Cầ​n Thơ​ được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng giai đoạn 2018 - 2023; tiếp cận các bảng xếp hạng thế giới, lọt vào 301-350 châu Á theo đánh giá của QS Asia University Rankings; thứ 3 Việt Nam theo xếp hạng của Webometrics.

Trong chuyến thăm, làm việc tại Trường ĐHCT vừ​a qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trường phấn đấu quyết liệt với mục tiêu nằm trong xếp hạng hàng đầu châu Á và đứng trong top 1.000 trường đại học thế giới vào năm 2025; tập trung nghiên cứu, đưa ra cam kết về số lượng phát minh, bằng sáng chế, số dự án khởi nghiệp của sinh viên và giảng viên, số lượng đề tài dự án công nghệ chuyển giao thành công cho xã hội và đất nước. Đồng thời đề nghị các Bộ ngành Trung ương và TP Cần Thơ nghiên cứu, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Trường ĐHCT phát triển tốt.

Đầu tháng 8-2018, trong chuyến làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác liên ngành Trung ương Khảo sát kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Trường ĐHCT thẳng thắn trình bày những khó khăn cần tháo gỡ để phát triển toàn diện, chủ yếu là những khó khăn về cơ chế chính sách. Theo Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng nhà trường, tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ của trường còn thấp, đạt 34,09% (chỉ tiêu là 45% đến năm 2020); tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ, là Giáo sư, Phó Giáo sư không đồng đều giữa các khoa, bộ môn; lại thêm tình trạng thất thoát nguồn nhân lực và chi phí đào tạo; chưa có cơ chế chính sách thu hút người tài.

Mặt khác, trường có quy mô “đại học vùng” nhưng tổ chức bộ máy và quản trị theo cơ chế của một trường đại học trực thuộc, đã không phát huy tính tự chủ, sáng tạo cho các khoa, viện. Mức học phí quy định chung cho các trường đại học công lập hiện nay còn cào bằng, chưa gắn với chất lượng đào tạo, nên chưa tạo động lực đột phá nâng cao chất lượng đào tạo… PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền nói thêm: Trường mở rộng quy mô, ngành nghề và hình thức đào tạo nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu học tập người dân ĐBSCL. Mặt khác lại thiếu chính sách khuyến khích người học những nhóm ngành nông-lâm-ngư, môi trường...

Hiện nay, Trường ĐHCT đang thực hiện Dự án Nâng cấp Trường ĐHCT, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản (kinh phí 105,9 triệu USD), với mục tiêu nâng cấp trường thành trường đại học xuất sắc, đạt chuẩn quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và quản trị đại học ở các lĩnh vực: nông nghiệp, thủy sản, môi trường. Gồm 5 hợp phần: Phát triển nguồn nhân lực (đào tạo 63 tiến sĩ, 9 thạc sĩ, 91 lượt đào tạo nghiên cứu ngắn hạn); Hợp phần thực hiện các dự án nghiên cứu (phối hợp với các trường đại học đối tác ở Nhật Bản thực hiện 36 chương trình nghiên cứu dựa trên nhu cầu của các địa phương ở ĐBSCL nhằm phát triển bền vững nông nghiệp, thủy sản, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu); Hợp phần phát triển cơ sở vật chất (gồ​m 5 công trình, phò​ng thí​ nghiệ​m, nhà​ lư​ớ​i, nhà​ kí​nh, trại​ giố​ng, nâng cấp hạ tầng thông tin cơ sở); Hợp phần mua sắm thiết bị nghiên cứu (2.964 thiết bị mới); Hợp phần dịch vụ tư vấn (huy động 19 tư vấn quốc tế và 32 tư vấn trong nước hỗ trợ).

Đây là nền tảng giúp trường phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2030 đạt trình độ chung trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. “Để thực hiện đạt mục tiêu này, đòi hỏi sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương. Đơn cử hỗ trợ triển khai Dự án Nâng cấp Trường ĐHCT bằng cách đẩy nhanh tiến độ thủ tục, phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, miễn thuế VAT, thuế nhập khẩu... Thủ tướng cho phép trường được quyền quyết định trong đầu tư xây dựng cơ bản các dự án đến 10 hoặc 20 tỉ đồng. Đồng thời cho phép trường thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trong đó, xây dựng trường theo mô hình đa ngành đa lĩnh vực, với cơ chế như Đại học Quốc gia; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên và cán bộ trong thời kỳ công nghiệp 4.0”- Giáo sư Hà Thanh Toàn đề xuất.

Tác giả: B.KIÊN

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

  Từ khóa: Đại học Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP