Giáo dục

Ông Nguyễn Thiện Nhân: 'Học sinh phải được hỏi và tranh luận'

Học sinh không dễ dàng hài lòng với những điều thầy cô trình bày mà cần được hỏi nhiều hơn, đặt vấn đề được làm khác đi.

Tại Hội nghị triển khai năm học 2018-2019 của TP HCM ngày 14/8, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dành gần một giờ nói chuyện với lãnh đạo ngành giáo dục và các trường học.

Ông Nhân kể, cách đây hai tháng có chuyến công tác Israel và chứng kiến nhiều sự khác biệt trong giáo dục tại đây. Họ coi trọng giáo dục cho trẻ nhỏ, tôn trọng ý kiến và phản biện của học sinh.

"Đó cũng là bí quyết cho sự sáng tạo không ngừng của quốc gia này, học sinh phải được hỏi, được giải đáp, tranh luận và được đề nghị làm khác đi. Cái đó mình làm được không?", ông Nhân nói và cho rằng điều này còn hạn chế ở nhà trường Việt Nam. Hiện, những điều thầy cô nói được coi là chân lý và học sinh phải lắng nghe. Tính chủ động, phản biện của trẻ còn hạn chế.

Theo ông, dạy trẻ là vất vả nhất bởi chúng hỏi rất nhiều nên thầy cô phải là người khơi gợi, hướng dẫn để phát huy tính sáng tạo cho trẻ.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nói chuyện với lãnh đạo ngành giáo dục TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Bí thư TP HCM cho rằng việc học hiện nay không chỉ gói gọn trong phạm vi trường lớp mà phải mở rộng ở môi trường gia đình và trên Internet. Mỗi giáo viên phải là tấm gương tự học và sáng tạo, phải thành thạo ít nhất một ngoại ngữ để tự nâng cao trình độ.

Dẫn thực tế nhiều gia đình bán nhà bán đất cho con học đại học, rồi sau đó thất nghiệp hoặc không phù hợp lại phải học nghề khác, ông Nhân cho rằng, việc giáo dục nghề nghiệp cũng cần theo năng lực và hướng đến tính hiệu quả. Sản phẩm của giáo dục không chỉ là người giỏi nghề mà phải biết hướng đến cộng đồng, có tinh thần cống hiến cho xã hội.

Người đứng đầu Thành ủy TP HCM tái khẳng định chủ trương miễn học phí THCS cho học sinh thành phố. Việc làm này sẽ đảm bảo điều kiện ngân sách chi cho các trường không giảm mà tăng lên.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, năm học mới thành phố có hơn 1,67 triệu học sinh, đông nhất là tiểu học và gần 80.000 giáo viên. Hiện, hơn 90% học sinh tiểu học được học tiếng Anh từ lớp 1, tỷ lệ học sinh thành phố đạt các chứng chỉ ngoại ngữ - tin học quốc tế ngày càng tăng.

Mục tiêu năm học 2018-2019, học sinh TP HCM sẽ được học mọi nơi thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và hệ thống đào tạo E-learning. Học sinh thành phố có thể chơi ít nhất một môn thể thao, có chiều cao va thể lực trong top đầu cả nước.

Tác giả: Mạnh Tùng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP