Giáo dục

"Ông Nguyễn Đức Tồn phải bị tước bỏ chức danh giáo sư"

Trao đổi với VietNamNet tối 16/5, GS Trần Ngọc Thêm khẳng định việc ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn đã trở thành một "căn bệnh" trầm kha cần tước bỏ tận gốc.

TS Nguyễn Thúy Khanh đã kết luận vội vã

Theo GS Trần Ngọc Thêm, ông hiểu được việc bà Nguyễn Thuý Khanh "rất sốc", và rất đồng tình với đề xuất thành lập "một Hội đồng khoa học xem xét, đối chứng cụ thể và giải quyết dứt điểm" việc này. Tuy nhiên, có lẽ bà Khanh đã không đọc kỹ những điều ông trả lời trên VietNamNet ngày 15/05/2018, mà chỉ tập trung vào một vài chi tiết, để rồi đi đến những kết luận vội vã về ông như "biện hộ cho GS Tồn", "thiếu khách quan, ngụy biện", thậm chí quy chụp nặng nề hơn là "có sự mờ ám phía sau". Liên quan đến ý kiến của TS Nguyễn Thúy Khanh, GS Thêm muốn nói rõ ba điểm như sau:

Thứ nhất, việc kết luận rằng "ông Tồn không đạo văn của NCS, nhưng đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong việc hướng dẫn luận án cho NCS" không phải là GS Thêm và tổ công tác dựa trên lời nói của ông Tồn, mà là dựa trên việc xem xét đối chiếu 4 văn bản minh chứng mà ông Tồn đưa đến. Theo đó, "chúng tôi [lời GS Thêm] nhận thấy nội dung các trang trong chương I luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Thuý Khanh hoàn toàn trùng khít đến từng câu, từng đoạn với những câu, đoạn trong luận án của ông Tồn (mặc dù 2 thứ tiếng khác nhau)".

Trong Báo cáo thẩm định năm 2006, GS Thêm đã viết rằng "chúng tôi hết sức bất ngờ" khi nhận thấy có những chỗ (như các trang 20-34 trong chương 1 luận án của bà Khanh bảo vệ năm 1996), trong khi có chỗ dị biệt so với các trang tương ứng (trang 62-66 và 72-87) trong chương 1 sách của ông Tồn (2002), thì lại hoàn toàn trùng khít đến từng câu từng chữ (mặc dù 2 thứ tiếng khác nhau), từng dấu chấm câu, chấm xuống dòng ở những chỗ tương ứng trong phần hai nhan đề "Материалы и методы изучения" (Tư liệu và phương pháp nghiên cứu) bản thảo luận án tiếng Nga của ông Tồn bảo vệ ở Liên Xô năm 1988".

Những điều ông Tồn trình bày là ông đã "chữa từng từ, từng câu, từng chữ, từng dấu phẩy, dấu chấm, từng lời diễn đạt cho cả 4 bài viết cho Nguyễn Thuý Khanh và sau này chữa cho cả luận án nữa. Vì vậy, văn phong trong các bài viết và luận án của Nguyễn Thuý Khanh chính là văn phong của tôi [ông Tồn]" mà GS Thêm dẫn ra chỉ là để bổ sung cho việc ông Tồn "thừa nhận rằng chính ông đã dịch luận án của mình sang tiếng Việt đưa cho nghiên cứu sinh của mình". Thêm vào đó, đây là những lời được trích từ bản giải trình của ông Tồn gửi Đảng uỷ Viện KHXH Việt Nam chứ không phải là lời ông Tồn trình bày với GS Thêm và tổ công tác như bà Khanh lầm tưởng; để rồi từ đó bà đi đến khẳng định rằng: "Chỉ ngần ấy mà GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đã biện hộ cho ông Tồn"".

Đây là nội dung trích từ báo cáo thẩm định năm 2006 đã được trình bày tại kỳ họp Hội đồng CDGS ngành mà có thể vẫn còn lưu giữ được trong kho lưu trữ của HĐCDGSNN. Còn tại thời điểm hiện nay tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của PGS Tạ Văn Thông phát biểu trong bài "Xôn xao nghi vấn thầy "đạo văn" trò..." đăng trên VietNamNet ngày 15/5/2018: "người hướng dẫn khoa học không thể và không được phép cho học trò "mượn", càng không thể và không được phép "lấy lại" như vậy. Công trình của mình cho người khác "mượn", đó là một cái sai. Sau đó "lấy lại" là một cái sai nữa. Lần thứ nhất là sai trong quy định làm thầy. Lần thứ hai là sai trong quy định về sở hữu trí tuệ".

Điểm thứ hai mà GS. Thêm muốn nhấn mạnh là ông đã nói rất rõ rằng kết luận "ông Tồn không đạo văn của NCS" chỉ giới hạn "trong phần đã được đối chiếu giữa luận án của ông Tồn với luận án của NCS Thuý Khanh".

Như GS. Thêm đã nói cụ thể hơn ở đoạn dưới trong bài trên VietNamNet (mà VietNamNet đặt dưới tiêu đề là "Thầy đạo văn của trò không hiếm gặp?"), phần đã được đối chiếu để rút ra kết luận trên là: "ở chương 1 sách năm 2002 của ông Tồn, các trang 62-66 và 72-87 hoàn toàn trùng với các trang 20-34 trong chương 1 luận án của NCS". Cũng ở phần "Thầy đạo văn của trò không hiếm gặp?" này, GS. Thêm đã kết luận rằng: "Như vậy là trong cùng một cuốn sách này, chương 1 là phần lý luận thì ông Tồn đã dịch ra đưa cho học trò chép; còn các chương 3, 7 và 4, 8 là phần mang tính tư liệu thì ông chép (có dẫn nguồn) từ luận án của NCS do ông hướng dẫn và luận văn của một sinh viên là cháu của ông do GS Nguyễn Thiện Giáp hướng dẫn" - GS Thêm khẳng định.

Theo GS Thêm, có thể bà Khanh đã không đọc đoạn này. Chứng cớ là trong bài trao đổi với với VietNamNet, bà Khanh đã cố chứng minh cùng một điều mà GS Thêm đã làm trong bài của mình, chỉ có cái khác là bà Khanh đã nói một cách cảm tính.

Theo GS Thêm, "Tôi đã khẳng định: "Sự đóng góp của NCS Nguyễn Thuý Khanh và sinh viên Cao Thị Thu cho cuốn sách của ông Tồn là rất lớn và không thể phủ nhận được. Cái cách mà ông chú nguồn trong sách đã nói lên điều đó". Và sau khi phân tích cách chú nguồn của ông Tồn, tôi đã kết luận: "Việc ông chú nguồn cho thấy những học trò này đã bỏ ra tất cả công sức và trí tuệ để hoàn thành luận án (luận văn) của mình". "Tôi đề nghị bà Khanh nên bình tĩnh đọc lại phần này và suy nghĩ lại về kết luận của bà cho rằng tôi đã "thiếu khách quan, nguỵ biện", là "có sự mờ ám phía sau"- GS Thêm nói.

Điểm thứ ba GS. Thêm muốn nói rõ liên quan đến ý kiến của TS Nguyễn Thúy Khanh là: Những vấn đề ông trả lời trên VietNamNet một phần là căn cứ vào những tài liệu lưu trữ từ năm 2006 và 2009 mà ông còn giữ được, phần khác là những suy xét, nhận thức lại tại thời điểm hiện nay (trong khi xem lại những tài liệu lưu trữ ấy).

GS Thêm nhấn mạnh: Ông đã nói rất rõ trong bài rằng "các tổ công tác được lập ra để xem xét một vụ việc thì thường chỉ có đúng 1 đêm để làm việc (vì mỗi kỳ họp của Hội đồng chức danh giáo sư thường chỉ kéo dài trong 2 ngày). Cho nên phải thẳng thắn mà nhận rằng, trong 1 đêm ngắn ngủi ấy, dù có cố gắng đến đâu thì tổ công tác cũng không thể nào làm sáng tỏ hết mọi việc một cách đầy đủ và chính xác được".

Còn hiện nay thì, GS Thêm nói, "vì sự việc xảy ra đã lâu, trước mặt lại không có đủ các tài liệu cần thiết nên những suy xét, nhận thức tôi nêu ra cũng chỉ là cảm tính. Chính vì vậy, ở cuối bài trả lời tôi mới kiến nghị rằng HĐCDGS Nhà nước và Thanh tra Bộ Giáo dục nên phối hợp thành lập một tổ công tác để xem xét sự việc một cách khách quan và công bằng, để ông Tồn, bà Khanh và những người có liên quan khác có thể đưa ra những minh chứng để xác thực cho các lời tuyên bố của mình".

GS Trần Ngọc Thêm đính chính ý kiến của GS Nguyễn Văn Lợi

Theo GS Trần Ngọc Thêm, trong câu hỏi của phóng viên và bài trả lời phỏng vấn trên VietNamNet của GS Nguyễn Văn Lợi chiều ngày 16/05/2018 nhan đề "Hé lộ những tình tiết mới trong sự việc GS Nguyễn Đức Tồn" có vài sai sót cần đính chính như sau:

"Thứ nhất là "GS Tồn tiếp tục nộp đơn xin xét duyệt chức danh GS và được thông qua ở cả 3 cấp" là vào năm 2009 chứ không phải năm 2008 như trong câu hỏi của phóng viên và nhiều ý kiến ở các báo khẳng định. Năm 2008 là năm được dừng lại để xây dựng và ban hành Quyết định 174/2008/TTg nên không có đợt xét duyệt chức danh GS/PGS nào.

Thứ hai là câu trả lời sau đó của GS Nguyễn Văn Lợi nói rằng "Năm 2007... HĐ mới được thành lập, trong đó có GS TSKH Trần Ngọc Thêm" vừa sai về thời gian vừa không chính xác về nội dung. Sai về thời gian là HĐ CDGS Ngành ngôn ngữ học nhiệm kỳ mới (2009-2014) được thành lập vào tháng 4-2009 chứ không phải năm 2007. Còn không chính xác về nội dung là GS Thêm đã tham gia HĐ CDGS Ngành ngôn ngữ học từ khoảng năm 2004 (sau khi ông được phong giáo sư vào năm 2002).

Thứ ba là GS Nguyễn Văn Lợi nhận xét rằng GS Thêm "đưa ra một số chi tiết biện hộ cho việc HĐ bỏ phiếu tán thành phong chức danh GS cho ông Tồn", theo GS Thêm, là tự mâu thuẫn, bởi vì "đã là "chi tiết" thì tôi [lời GS Thêm] không thể nào "bịa" ra được. Những "chi tiết" đó được tôi tổng kết lại từ ý kiến phát biểu của các thành viên hội đồng. Bản mềm biên bản kỳ họp mà tôi đang lưu giữ ghi ngày 15/10/2009 và bản cứng còn nằm trong hồ sơ lưu trữ của của HĐ CDGSNN xác nhận điều này".

Và thứ tư, nhận xét của GS. Nguyễn Văn Lợi rằng "Có những chi tiết [mà GS Thêm đưa ra] không hoàn toàn đúng với những gì mà các cán bộ, đảng viên Viện Ngôn ngữ học đã biết qua các bản giải trình của chị Nguyễn Thúy Khanh" theo GS Thêm là hoàn toàn phi lý: "Vì các thành viên của Hội đồng không phải là người của Viện Ngôn ngữ học nên tất nhiên là không thể biết những chuyện xảy ra trong Viện. Lại càng không thể coi những nội dung mà bà Thúy Khanh giải trình ở Viện là chuẩn mực, là chân lý để quy chiếu mọi thứ khác về".

Sở dĩ GS Trần Ngọc Thêm cho rằng cần đính chính 4 điểm trên là vì, do thời gian xảy ra sự việc đã lâu, nếu không dựa trên những thông tin chuẩn xác, suy luận hợp lý thì sẽ làm cho câu chuyện về ông Tồn không có tiếng nói chung, làm người đọc rơi vào mê hồn trận những điều rối rắm.

Việc ông Tồn đạo văn đã trở thành một "căn bệnh" trầm kha cần tước bỏ tận gốc

Trở lại chuyện ông Nguyễn Đức Tồn, ông Tồn đã chỉnh sửa, bổ sung và mở rộng cuốn sách năm 2002 (390 trang) để xuất bản cuốn "Đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy" (NXB Khoa học Xã hội, 2008, 588 tr.), rồi mở rộng tiếp nữa thành cuốn "Đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy (Tái bản có chỉnh lý và bổ sung)" (NXB Từ điển Bách khoa, 2010, 635 tr.). Cuốn sách in năm 2010 này được ông Tồn nộp đăng ký Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2016 mà ở Hội đồng cơ sở, GS Thêm chính là một trong hai phản biện. GS Thêm cho biết, ngay cả trong cuốn sách mang đi đăng ký Giải thưởng Hồ Chí Minh này ông Tồn cũng tiếp tục đạo văn:

"Tôi đã rất bất ngờ khi thấy trong cuốn sách này, phần viết về khái niệm văn hóa, ông đã chép từ cuốn "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam" của tôi. Việc đạo văn này đã được ông Tồn thực hiện có thể nói là vừa tinh vi, vừa trắng trợn. Nói "trắng trợn" là vì trong suốt 3 trang 32-34 của sách "Đặc trưng văn hóa - dân tộc..." của mình (bản in năm 2010), ông Tồn đã chép quan niệm của tôi về bốn đặc trưng của văn hóa từ các trang 21-24 sách "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam" của tôi (bản in năm 2001 và các năm sau) và trình bày chúng như những sáng tạo của mình. Nói "tinh vi" là vì, tuy bốn đặc trưng của văn hóa thì ông chép, nhưng trong khi trình bày đặc trưng thứ nhất là tính hệ thống thì ông lại dẫn chúng tôi với tư cách là tác giả của cấu trúc 'văn hóa nhận thức - tổ chức - ứng xử'! Không chỉ đạo văn của tôi, ông Tồn còn "đạo" luôn cả định nghĩa văn hóa của Tổng giám đốc UNESCO mà tôi dẫn ra trong sách của mình"- GS Thêm nói.

Theo GS Trần Ngọc Thêm, việc ông Tồn tiếp tục đạo văn trong công trình đăng ký xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh là bằng chứng cho thấy việc đạo văn đã trở thành một "căn bệnh" trầm kha của ông Tồn. Bệnh này cần được xử lý dứt điểm.

Bàn về cách xử lý căn bệnh này, GS Trần Ngọc Thêm nói: "Như tôi đã đề nghị trong phần cuối của bài trước, sau khi mọi việc sáng tỏ, nếu xác minh được là ông Tồn đạo văn (nhất là ở mức độ nghiêm trọng và kéo dài như vậy), thì điều đó có nghĩa ông Tồn đã vi phạm khoản 2 điều 8 của Quyết định 174 về tiêu chuẩn chung của chức danh GS/PGS là "Trung thực, khách quan... trong hoạt động... nghiên cứu khoa học". Đồng thời ông Tồn cũng vi phạm cả khoản 1 của chính điều 8 này về tiêu chuẩn của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục. Cụ thể theo khoản 2a điều 70 của Luật Giáo dục thì "Nhà giáo phải có phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt". Vì vậy, khi đã bị phát hiện và xác định là không đủ tiêu chuẩn quy định tại thời điểm được công nhận chức danh giáo sư (năm 2009) thì ông Tồn sẽ phải bị tước bỏ việc công nhận chức danh giáo sư".

GS Thêm cũng cho rằng, ông Tồn đồng thời còn vi phạm nghiêm trọng cả đạo đức của người hướng dẫn NCS, tức là cũng vi phạm khoản 2 điều 8 của Quyết định 174 về tiêu chuẩn chung của chức danh GS/PGS là "Trung thực, khách quan... trong hoạt động giáo dục" và khoản 1 của điều này, nên cũng không đủ tiêu chuẩn quy định tại thời điểm được phong chức danh PGS (năm 1996, cũng là năm NCS của ông bảo vệ luận án) nên ông cũng sẽ phải bị tước bỏ việc công nhận chức danh phó giáo sư.

Tác giả: Lê Huyền

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP