Kinh tế

'Ông lớn' xăng dầu Hải Hà nhiều bê bối: Thua lỗ, nợ thuế... thu hồi giấy phép

Hải Hà Petro là một trong những đầu mối xăng dầu lớn trên cả nước. Thời gian qua, 'ông lớn' xăng dầu có trụ sở tại Thái Bình này liên tục xảy ra nhiều vi phạm và bê bối làm ăn như: thua lỗ, nợ thuế... và bị tước giấy phép.

Đại gia Xăng dầu Hải Hà: Nợ nần đầm đìa, bị ngân hàng thu nợ cả Quỹ bình ổn.

Niêm phong tổng kho, dừng đội tàu vận tải

Ngày 12/1, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, vừa phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an và các đơn vị liên quan tiến hành thực hiện khám xét, kiểm đếm tại tổng kho chứa xăng dầu của Công ty THHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) đặt tại xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy.

Sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành niêm phong, bàn giao lại cho công an và chính quyền địa phương tạm thời quản lý, trông giữ tài sản, phục vụ quá trình điều tra tại doanh nghiệp này.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình cũng được cơ quan điều tra thông báo đề nghị quản lý hoạt động vận tải trên biển đối với các tàu chở dầu thuộc sở hữu của Hải Hà Petro. Tạm thời dừng hoạt động vận tải, lưu thông chở hàng hóa trên vùng biển đối với các tàu này.

Được biết, tổng kho xăng dầu của Hải Hà Petro được xây dựng trên tổng diện tích đất 66.664 m2, tổng sức chứa 63.000 m3 với 11 bồn chứa xăng dầu đặt tại xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Công trình này phục vụ cung cấp xăng dầu cho khách hàng trên mọi miền đất nước.

Bên cạnh đó, dự án kho cảng xăng dầu Hải Hà - Quảng Trị do Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đầu tư tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị được khởi công xây dựng giữa năm 2019, hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 1/2021 với sức chứa hơn 12.000 m3.

Tháng 11/2023 vừa qua, ngân hàng cũng đã phát thông báo tìm đơn vị tổ chức bán đấu giá kho cảng này, mức giá khởi điểm đưa ra là 176 tỉ đồng.

Ngoài ra, Hải Hà Petro còn thuê kho của các đơn vị: Kho 19-9 tại khu kinh tế Đình Vũ - Hải Phòng; kho K99 - Hải Phòng; kho PVOIL Vũng Áng; kho Petec Đà Nẵng; kho Petrolimex khu vực II Nhà Bè; kho Hiệp Phước - Tiền Giang và kho K34 - Cần Thơ.

Cùng với đó, 16 tàu chuyên chở dầu đường biển có tải trọng các loại từ 325 tấn đến 4.813 tấn, sức chứa luân chuyển 26.000 tấn của Hải Hà Petro cũng được yêu cầu tạm dừng hoạt động trên biển.

Bị thu hồi giấy phép

Bộ Công Thương cho biết, ngày 12/1, cơ quan này ban hành quyết định về việc thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đối với Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (địa chỉ trụ sở chính tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam - Công ty cổ phần, Công ty TNHH MTV - Tổng công ty xăng dầu Quân đội bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên địa bàn Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh.

Trước đó, ngày 9/1, rất đông các lực lượng từ cảnh sát cơ động, cảnh sát đặc nhiệm, cảnh sát giao thông xuất hiện bên ngoài trụ sở của Hải Hà Petro ở thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy.

Cơ quan thanh tra đã chuyển hồ sơ đến Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá tại Hải Hà Petro.

Nợ thuế khủng

Hồi cuối tháng 10/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã công khai thông tin 107 người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước với số tiền là 2.199 tỷ đồng (tính đến 30/9/2023). Hải Hà Petro tiếp tục là doanh nghiệp có số nợ lớn nhất, với tổng số nợ trên 1.781 tỷ đồng.

Đây không phải lần đầu tiên Hải Hà Petro bị bêu tên nợ thuế tại Thái Bình. Trước đó, ngày 31/12/2022, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Hải Hà Petro là 1.375 tỷ đồng. Trong đó có 1.141 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác. Đứng sau là thuế giá trị gia tăng phải nộp (163 tỷ đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt (37,4 tỷ đồng), thuế xuất nhập khẩu (34 tỷ đồng).

Năm 2021, doanh nghiệp này nợ khoảng 815 tỷ đồng; năm 2020 nợ khoảng 761 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế có rất nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc Cục Thuế tỉnh Thái Bình, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Bình áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế để thu hồi cho ngân sách nhà nước.

Tính riêng trong năm 2023, Tổng cục Thuế đã ban hành 3 văn bản yêu cầu triển khai các biện pháp thu hồi nợ thuế của Hải Hà. Ngày 13/3, Tổng cục Thuế yêu cầu triển khai các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế. Đến 18/5, cơ quan này tiếp tục yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Bình triển khai ngay các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ của Hải Hà.

Ngày 26/5, Tổng cục Thuế lại có công văn hỏa tốc yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Bình triển khai áp dụng các biện pháp cưỡng chế ngay trong ngày 26/5.

Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế đối với Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà. Cụ thể: Cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với công ty theo 6 quyết định, liên tục từ ngày 26/6 đến ngày 28/8.

Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Thái Bình cũng tiến hành cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn với doanh nghiệp theo quyết định ngày 12/9 (hiệu lực từ ngày 13/9/2023 đến ngày 12/9/2024).

Đến ngày 30/8, Cục Thuế tỉnh Thái Bình có thông báo gửi Cục Xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, hiện là bà Trần Tuyết Mai.

Thua lỗ và nợ nần triền miên

Hoạt động kinh doanh của Hải Hà Petro chìm ngập trong thua lỗ nhiều năm liền. Doanh thu thuần năm 2022 của Hải Hà Petro lên tới 30.060 tỷ đồng, tăng 58,8% so với năm 2021.

Nhưng riêng năm 2022, Hải Hà báo lỗ 2.574 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến 31/12/2022 lên 4.577 tỷ đồng. Kết quả là công ty âm vốn chủ sở hữu 4.122 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2022, nợ phải trả của Hải Hà Petro lên đến 17.142 tỷ đồng, tăng 3.982 tỷ đồng, tương đương 30,3% so với cuối năm 2021, cao gấp 1,3 lần tổng tài sản công ty.

Quá trình kinh doanh, Hải Hà Petro còn khoản đầu tư vào công ty dược. Báo cáo tình hình quản trị của CTCP Dược phẩm Trung ương I Pharbaco (mã chứng khoán PBC) ghi nhận sự xuất hiện của cổ đông là Công ty Hải Hà.

Tháng 10/2020, Vận tải Hải Hà công bố thông tin mua thêm thành công 10,1 triệu cổ phiếu PBC, nâng tổng lượng sở hữu sau giao dịch lên 20 triệu đơn vị (tỷ lệ 22,22%). Bà Trần Tuyết Mai đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT của Dược phẩm Trung ương I Pharbaco từ tháng 11/2020. Cũng trong năm 2020, ông Tô Thành Hưng được bầu vào HĐQT và hiện giữ chức Tổng giám đốc công ty.

Tuy nhiên, tháng 3/2023, bà Tuyết Mai có đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT với lý do bận việc gia đình. Ông Tô Thành Hưng vẫn là Tổng giám đốc công ty Pharbaco.

Năm 2022, Pharbaco lãi 60 tỷ đồng, doanh thu vượt 1.000 tỷ đồng. Trước đó, từ 2018 đến 2020, lợi nhuận của Pharbaco chỉ 4-11 tỷ đồng.

Làm ăn thua lỗ, Hải Hà Petro cũng có nhiều khoản nợ xấu ở các ngân hàng. Không trả được nợ, có thời điểm công ty này bị ngân hàng cấn nợ cả tiền trong tài khoản quỹ bình ổn xăng. Sau đó, ngân hàng đã trả lại số tiền cấn nợ này khi các cơ quan quản lý xác định việc cấn nợ chưa đúng.

Tác giả: Kỳ Thư

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP