Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Lê Văn Cuông, nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã có những chia sẻ thẳng thắn về việc Cục trưởng cục Thuế đề nghị quy hoạch vợ làm Phó cục trưởng đang là tâm điểm dư luận mấy ngày qua.
Trụ sở cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - nơi đang khiến dư luận ồn ào về chuyện quy hoạch cán bộ ngành thuế của tỉnh.
-PV: Mới đây, Cục trưởng cục Thuế Bà Rịa – Vũng Tàu – ông Võ Thành Long, ký tờ trình gửi Tổng cục Thuế đề nghị bổ sung quy hoạch lãnh đạo cấp Cục giai đoạn 2016-2020, cụ thể là chức “Phó cục trưởng” với hai người, trong đó có vợ mình. Ông có ý kiến như thế nào về việc này?
Ông Lê Văn Cuông: Sau vụ việc về ông Trịnh Xuân Thanh, hay việc bổ nhiệm con trai vào những vị trí khác nhau ở bộ Công Thương của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khiến dư luận lùm xùm nhiều nghi ngại, câu chuyện bổ nhiệm cán bộ càng được dư luận xã hội quan tâm. Trên thực tế, nhiều vụ việc “một người làm quan, cả họ được nhờ” đã từng tạo dư luận không tốt.
Đáng buồn hơn, những vụ việc bổ nhiệm người nhà làm cán bộ liên quan đến “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” đang có xu hướng gia tăng khi bị dư luận phản ứng. Công tác cán bộ cũng được xem lại với nhiều dấu hiệu không minh bạch.
Đề nghị “quy hoạch vợ” của ông Cục trưởng cục Thuế khiến dư luận nghi ngại cán bộ lựa chọn người nhà mà quên người tài. Tôi thấy, mặc dù luật pháp về phòng chống tham nhũng không cấm trường hợp quy hoạch vợ kể trên nhưng trên thực tế, chồng là thủ trưởng cơ quan, vợ là cấp dưới, trong mối quan hệ công tác như phân công nhiệm vụ hay đánh giá nhận xét sẽ có nhiều vấn đề không khách quan.
-PV: Bổ nhiệm người nhà không còn là chuyện lạ Việt Nam. Luật pháp cũng không cấm với trường hợp ông Cục trưởng “quy hoạch” vợ mình. Nhưng theo ông, vì sao, dư luận lại phản ứng mạnh như vậy?
Ông Lê Văn Cuông: Dư luận phản ứng là đúng vì mọi “chuyện lạ” lâu nay đều “đúng quy trình” cả. Cá nhân tôi nghĩ, người cán bộ nên chủ động tránh bổ nhiệm vợ như thế này. Nhiều trường hợp bố làm lãnh đạo cơ quan nhưng không muốn con cái, người nhà vào cơ quan đó. Bởi họ không thích bị mặc định "dựa hơi" người thân để "leo" cao. Nếu có năng lực thực sự và đường hoàng bước vào cơ quan đó thì lại không bao giờ xuất hiện dư luận tiêu cực.
-PV: Từng làm cán bộ tỉnh nhiều năm và làm ĐBQH, ông nghĩ thế nào về công tác quy hoạch cán bộ hiện nay? Làm sao để quy hoạch vừa đúng quy trình vừa trúng người?
Ông Lê Văn Cuông: Trước vụ việc này, đã có nhiều trường hợp bổ nhiệm người nhà khiến dư luận phản ứng không hay. Vậy nhưng ông Cục trưởng vẫn đề nghị quy hoạch vợ, tôi cho rằng, như thế là “cố đấm ăn xôi”. Nhạy bén về dư luận của vị Cục trưởng cũng khiến dư luận phản ứng.
Chưa nói đến chất lượng cán bộ được quy hoạch nhưng rõ ràng không nên đưa người nhà vào khi mình đang là thủ trưởng đơn vị. Hoặc, phải vào qua con đường thi tuyển công khai, minh bạch và chứng tỏ được năng lực thực chất.
Những việc pháp luật không cấm nhưng dư luận không đồng tình thì không nên cố làm cho bằng được. Làm cán bộ cần phải vì lợi ích chung, đôi khi hy sinh bản thân mình, tránh tranh thủ địa vị, môi trường công tác để thu vén cho bản thân, hợp thức hóa ý đồ cá nhân bằng cái mác “đúng quy trình”. Người lãnh đạo cần phải nghĩ đến lợi ích chung, không bất chấp dư luận, ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng công tác cán bộ nói chung.
-PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.
Tác giả bài viết: Dương Thu (thực hiện)