Trong nước

Ông Hữu Thỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho văn nghệ sĩ đến 2025

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật nói nhiều văn nghệ sĩ gắn bó cả đời với hoạt động này nhưng lương, nhuận bút không đủ sống.

Ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam vừa gửi văn bản đến Bộ Tài chính báo cáo về hoạt động thời gian qua.

Báo cáo nhắc lại tiền thân của Liên hiệp là Hội Văn hoá cứu quốc, do Đảng thành lập năm 1943. Qua 70 năm, Liên hiệp có 10 hội chuyên ngành, 63 hội địa phương với 40.000 hội viên, trở thành "mặt trận quan trọng" về tư tưởng, văn hoá.

Ông Hữu Thỉnh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ông Hữu Thỉnh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

"Lãnh đạo chủ chốt của Liên hiệp hội và các hội chuyên ngành đều là những văn nghệ sĩ ưu tú, tiêu biểu, có sức tập hợp lực lượng, tuy nhiên biên chế hoạt động là rất ít", văn bản có đoạn. Báo cáo dẫn chứng, Liên hiệp hiện có 40 biên chế nhưng phải đảm trách nhiệm vụ nặng nề để đóng góp hàng vạn tác phẩm cho đất nước.

"Văn học nghệ thuật đương đại chính là diện mạo, tinh thần của người Việt trong công cuộc đổi mới, góp phần chấn hưng văn hoá, tham gia vào chương trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Các tác phẩm đều hướng tới giá trị nhân văn nhưng đồng thời lên án mạnh mẽ cái ác, cái xấu", ông Thỉnh nhận định.

Ông cho biết, kinh phí hoạt động của văn nghệ sĩ hằng năm do Liên hiệp cấp và Chính phủ hỗ trợ. Mỗi hội chuyên ngành có cơ quan báo chí riêng để giới thiệu tác phẩm đến công chúng nhưng số lượng phát hành thấp vì phải tự lo kinh phí xuất bản, phát hành.

"Nhìn chung các hoạt động văn học nghệ thuật những năm gần đây đều khó khăn, cả khu vực Trung ương và địa phương. Ngân sách nhà nước cấp cho văn học nghệ thuật quá thấp. Trong khi cán bộ hoạt động trong lĩnh vực nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, cử nhân đại học, gắn bó cả đời với hoạt động này nhưng chưa được đối xử công bằng như công chức nhà nước", ông Thỉnh viết và nhấn mạnh "lương, nhuận bút, ưu đãi của nhà nước cho văn nghệ sĩ không đủ sống".

Vì vậy, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đề nghị Bộ Chính trị vẫn coi liên hiệp "là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, do Đảng lãnh đạo và có sự hỗ trợ của nhà nước". Trong quá trình xây dựng Luật về hội cần có cơ chế riêng cho Liên hiệp để không phá vỡ "mắt xích" trong hệ thống chính trị.

Ông đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ văn nghệ sĩ giai đoạn 2021-2025 để sáng tạo tác phẩm về chủ đề cách mạng, kháng chiến...

Ông Hữu Thỉnh đã nhiều lần than về việc ngân sách nhà nước cấp quá ít kinh phí cho văn nghệ sĩ hoạt động. Phát biểu tại hội nghị tổng kết hoạt động của Liên hiệp hội tháng 1/2019, ông cho hay mỗi năm được nhà nước cấp 85 tỷ đồng và "vui mừng khi nguồn kinh phí hỗ trợ này chưa bị cắt". Ông cho rằng nếu cắt khoản kinh phí này thì sẽ "mất nhiều hơn được".

Trước đó, tháng 8/2017, tại cuộc làm việc với Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, ông Thỉnh nêu 9 kiến nghị giải quyết khó khăn cho văn nghệ sĩ, chủ yếu là về cơ sở vật chất, kinh phí.

Ông đề nghị chuyển khoản kinh phí hỗ trợ hằng năm thành chi thường xuyên để Liên hiệp không phải lập đề án đi xin trong từng giai đoạn. Ông xin Thủ tướng xây làng nghệ sĩ với khoảng 300 căn nhà để cấp cho văn nghệ sĩ, giúp họ yên tâm sáng tác. Ông cũng xin Thủ tướng cấp cho ông một ôtô bởi theo quy định thì chức danh của ông được hưởng chế độ xe như bộ trưởng nhưng hơn 10 năm qua phải đi mượn chiếc xe đã quá rách nát.

Tác giả: Viết Tuân

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP