Chuyên gia các trường tham gia buổi tư vấn tâm lý trước ngày thi THPT quốc gia |
Các chuyên gia tâm lý và chuyên gia tư vấn tuyển sinh đã có những lời khuyên dành cho thí sinh, trong buổi tư vấn trực tuyến “Những vấn đề tâm lý trước ngày thi” do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 14.6. Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và kênh YouTube Báo Thanh Niên.
Biến niềm đam mê bóng đá thành động lực học tập
Chỉ còn đúng 10 ngày nữa là các thí sinh (TS) trên toàn quốc sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Đây chính là thời điểm gay cấn nhất, TS vừa phải ôn thi nước rút vừa bị phân tán bởi giải bóng đá mà thế giới 4 năm mới có một lần.
Có mặt tại buổi tư vấn, thạc sĩ Đinh Quỳnh Châu, Trưởng bộ môn Tâm lý học giáo dục, Khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng nếu các TS yêu thích bóng đá biết cân đối thời gian thì những trận đấu chính là chất xúc tác, là cách giải trí lành mạnh để có được sự cân bằng sau những giờ học căng thẳng. Tương tự, thạc sĩ tâm lý Trần Thị Thanh Trà, giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM, nhìn nhận: “Với những ai mê bóng đá, việc hạn chế niềm đam mê sẽ khiến các em rất áp lực. Vì vậy, các em cần sắp xếp thời gian hợp lý, để có thể biến nó thành động lực học tập, giúp các mục tiêu ôn tập đạt kết quả tốt hơn”.
Để biến những trận bóng thành động lực, thạc sĩ Đinh Công Viễn Phương, Trưởng ban Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến, đưa ra “bí quyết”: “Trong số 32 đội bóng, chắc chắn không phải đội nào các em cũng thích. Vì vậy, chỉ nên sắp xếp thời gian coi đội mình thích nhất. Nếu trận đấu rơi vào những thời điểm không phù hợp như 1 giờ đêm, thì cũng nên cân nhắc. Thời điểm này, việc nào quan trọng hơn thì phải tập trung nhiều hơn. Chúng ta vẫn có thể xem lại các trận đấu vào hôm sau”. Thạc sĩ Dương Duy Khải, Phó giám đốc Tuyển sinh khu vực Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhắn nhủ: “Các em cố gắng làm sao để phân bổ thời gian hợp lý, khoa học, tránh để bóng đá làm ảnh hưởng tới sức khỏe, mất tập trung thì việc ôn thi sẽ không đạt yêu cầu”.
Tương tự, thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tuyển sinh - truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, đưa ra “chiến thuật” cân bằng việc xem bóng đá với việc ôn tập. Theo đó, TS nên xác định ngay từ đầu bóng đá là sở thích lành mạnh, tuy nhiên chỉ giúp thư giãn, giải trí, không ảnh hưởng nhiều đến bản thân. Trong khi đó, kỳ thi THPT quốc gia ảnh hưởng trực tiếp và có tính chất bước ngoặt quyết định tương lai. Vì vậy, chỉ nên coi bóng đá là việc bổ trợ cho tinh thần, giúp thư giãn, mang lại sự hưng phấn để ôn thi tốt hơn.
Hãy... mỉm cười với giám thị
Khi bước vào phòng thi, tâm lý căng thẳng, sợ hãi sẽ khiến TS “rối loạn tinh thần”. Thạc sĩ Đinh Quỳnh Châu cho rằng: “Nếu lo lắng thái quá, tim các em sẽ đập nhanh, bụng sôi. Điều đó rất không tốt cho việc làm bài thi. Các em cần thư giãn bằng cách hít thở chậm rãi, ăn uống khoa học, đủ chất, ngủ đủ giấc để tránh tình trạng trí nhớ bị giảm, đầu óc thiếu minh mẫn…”.
Để tự trấn an, các chuyên gia tâm lý khuyên TS không nên kiềm chế hay đè nén nỗi sợ hãi mà cứ thoải mái bộc lộ ra. Có thể nói với bố mẹ hoặc đang làm bài thi, căng thẳng quá có thể ghi ra một tờ giấy. Nguyên tắc tâm lý là khi chia sẻ được thì nỗi sợ hãi sẽ giảm. TS cũng có thể hít thở sâu để điều chỉnh nhịp tim, uống một chút nước... Bên cạnh đó, thạc sĩ tâm lý Trần Thị Thanh Trà chia sẻ một cách khá thú vị, đó là trước khi vô phòng thi hãy bắt chuyện với các TS khác, hoặc… nhìn giám thị và cười thật tươi. “Giám thị chắc chắn rất tâm lý, biết các em đang lo nên sẽ cười lại, tâm lý căng thẳng của các em sẽ giảm đi lập tức”, thạc sĩ Thanh Trà cho biết.
Nguồn tin: Báo Thanh niên