Thế giới

Obama, Trump và thái độ trái ngược với các ngôi sao

Cả lúc bước vào lẫn khi chia tay Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama luôn chào đón các nghệ sĩ hoặc người nổi tiếng. Với Donald Trump, mọi chuyện hoàn toàn khác.



Tám năm trước, khi Obama bước đến Đồi Capitol để nhậm chức tổng thống Mỹ, chào đón ông là diễn viên Tom Hanks, người dẫn chương trình Oprah Winfrey, ca sĩ Beyoncé, tay golf Tiger Woods...

Người ta thậm chí nói rằng Hollywood khi đó đã dồn hết sự ủng hộ cho Obama và nhiều người nổi tiếng đã phải "tranh" nhau vé mời đến lễ nhậm chức của ông.

Dù thành tựu 2 nhiệm kỳ của Obama là điều tranh cãi, buổi tiệc chia tay của ông vẫn không thiếu các nhân vật nổi tiếng.

Tổng thống Obama đã có buổi tiệc chia tay ở Nhà Trắng với sự góp mặt của rất nhiều nghệ sĩ danh giá. Ảnh tư liệu: Nhà Trắng.
Người được Hollywood yêu thích

ABC News cho biết khách đến dự buổi tiệc chia tay Tổng thống Obama tại Nhà Trắng tối 6/1 bị cấm mang theo điện thoại. Tuy nhiên, theo hình ảnh bị rò rỉ cùng những lời kể của các vị khách mời, buổi tiệc được cho là đã quy tụ dàn nghệ sĩ hạng A của Mỹ như George Clooney, Meryl Streep, Paul McCartney, Steve Harvey, Tom Hanks, John Legend, Robert De Niro...

Trước đó một ngày, Leonardo Di Caprio và Ellen DeGeneres cùng xuất hiện trong một video do Nhà Trắng thực hiện. Trong đoạn clip, các "ngôi sao" chia sẻ những khoảnh khắc họ nhớ nhất về tổng thống Mỹ.

"Khi tôi ngồi giữa Liên Hợp Quốc và nghe tổng thống nói rằng biến đổi khí hậu là vấn đề hệ trọng nhất mà không chỉ thế hệ chúng ta phải đối mặt mà còn cả các thế hệ tương lai, tôi đã được truyền cảm hứng", Di Caprio kể về kỷ niệm của mình với Obama.

"Người ta nhớ về Jackie Robinson nhiều đến cỡ nào? Mọi người đều biết ông ta. Với tôi, Obama chính là Jackie Robinson trong chính trị", vận động viên bóng chày Michael Jordan mô tả.

Jackie Robinson là vận động viên người Mỹ gốc Phi đầu tiên chơi tại giải bóng chày chuyên nghiệp Major League Baseball, góp phần xóa nhòa ranh giới phân biệt chủng tộc trong thể thao nhà nghề Mỹ.

'Chiến tranh giữa các vì sao'

Trong khi đó, lễ nhậm chức của tổng thống tân cử Donald Trump vào ngày 20/1 dự kiến sẽ là một sự kiện vắng bóng người nổi tiếng, ít ra là thiếu mất các "ngôi sao" hạng A.

Theo cập nhật của CNN tính đến thời điểm này, Trump vẫn chưa thể mời đến lễ nhậm chức của ông những tên tuổi lớn sánh ngang với những người từng biểu diễn trong lễ nhậm chức của Obama như ca sĩ Beyoncé và nghệ sĩ cello Yo-Yo Ma.

Tổng thống tân cử Mỹ, người cũng là ngôi sao truyền hình thực tế trong nhiều năm, tỏ ra ông không cần thêm người nổi tiếng cho lễ nhậm chức của mình.

"Những người được gọi là "ngôi sao hạng A" đều muốn có vé đến dự lễ nhậm chức, nhưng hãy xem những thứ họ làm cho Hillary, KHÔNG GÌ CẢ. Tôi chỉ cần NHÂN DÂN!", Trump viết trên Twitter hồi cuối năm 2016.

Trump đã đúng việc người nổi tiếng không giúp ích cho đối thủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016. Các buổi vận động tranh cử cuối cùng của Hillary Clinton thường sôi động như một buổi hòa nhạc, tràn ngập các nghệ sĩ nổi tiếng như Beyonce, Jay Z, Katy Perry...

Trái với Hillary Clinton, chiến dịch của Trump hướng tới "đám đông im lặng" và không có sự góp sức của những người nổi tiếng. Ảnh: AFP.
Khi lễ nhậm chức chỉ còn hơn 10 ngày, Trump đã kịp cãi vã với Meryl Streep, nữ diễn viên kỳ cựu và được kính trọng ở Hollywood. Streep xuất hiện tại lễ trao giải Quả cầu vàng hôm 8/11 và chỉ trích "người đề nghị được ngồi vào vị trí đáng kính nhất đất nước chúng ta lại đi giễu nhại một nhà báo khuyết tật".

Streep đang đề cập đến sự cố Trump trêu chọc nhà báo Serge F. Kovaleski của New York Times. Trump nói ông không cố ý làm vậy và không hề biết Kovaleski có tật ở tay, dù nhà báo này nói rằng ông từng nhiều lần gặp và phỏng vấn Trump.

Đáp lại phát biểu của Streep trong giải Quả cầu vàng, Trump chỉ trích bà là một "người yêu Hillary" và "không biết về tôi nhưng đã tấn công tôi". Streep đã xuất hiện trong Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ hồi tháng 7/2016 và đề cử Clinton đại diện đảng ra tranh cử tổng thống.

Meryl Streep trong lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 74 hôm 8/1 tại California, Mỹ. Ảnh: Getty.
Vị tổng thống của nhân dân?

Trong khi đó, Washington Times dẫn lời biên kịch và tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ Roger L. Simon cho rằng một lễ nhậm chức không ngôi sao sẽ rất mới mẻ.

"Sẽ không có màn diễu hành tưởng như bất tận của nhà Kardashian, những pha giễu nhại tưởng là vui lắm của Alec Baldwin (diễn viên), vài lời 'cứ thế cứ thế' của Stephen Colbert (diễn viên hài), cũng không còn những lời khôn ngoan của Barbra Streisand (nhạc sĩ - ca sĩ). Sau tiết mục của ban nhạc Thủy quân lục chiến, chúng ta đã có một người đang đứng tuyên thệ trước Kinh thánh", Simon nhận định.

Boris Epshteyn, Giám đốc Truyền thông của Hội đồng lễ nhậm chức, nói ngắn gọn "đây không phải một buổi hòa nhạc".

Khi tôi ngồi giữa Liên Hợp Quốc và nghe tổng thống nói rằng biến đổi khí hậu là vấn đề hệ trọng nhất mà không chỉ thế hệ chúng ta phải đối mặt mà còn cả các thế hệ tương lai, tôi đã được truyền cảm hứng
Tài tử Leonardo Di Caprio
Những người được gọi là "ngôi sao hạng A" đều muốn có vé đến dự lễ nhậm chức, nhưng hãy xem những thứ họ làm cho Hillary, KHÔNG GÌ CẢ. Tôi chỉ cần NHÂN DÂN!
Tổng thống tân cử Donald Trump

Tác giả bài viết: Phương Thảo

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP