Trong nước

Ồ ạt vận động người khám BHYT: Bắt tay trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế?

Gần đây, tại một số tỉnh, thành phố xảy ra tình trạng nhiều đơn vị khám chữa bệnh (KCB) bỏ tiền thuê xe đi “gom” người KCB bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là hiện tượng bất thường, biểu hiện rõ hành vi trục lợi Quỹ BHYT, gây áp lực cho ngân sách địa phương, ảnh hưởng quyền lợi của hàng triệu người có thẻ BHYT.


11a BIPU
Bệnh viện Y học cổ truyền Lan Q (tỉnh Bắc Giang) tổng số tiền vượt Quỹ KCB BHYT (sau khi trừ chi phí tăng giá dịch vụ y tế) gần 3,4 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Trường

Chi vượt hàng trăm tỷ đồng

Anh Hà Văn Trai ở làng Trình (xã Lũng Cao, huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hóa) cho biết: “Trong năm 2014, tôi và bố tôi là ông Hà Văn Láng (84 tuổi) được xe ô tô lên tận nhà đón xuống Bệnh viện Mắt Bắc Trung Nam (TP Thanh Hóa) hai lần để KCB mắt cho bố tôi. Cũng trong các đợt KCB này, còn có nhiều người khác trong làng, xã. Bố tôi có BHYT nên mỗi đợt KCB đóng khoảng hơn 700.000 đồng chi phí. Cả hai lần đi, cả hai bố con tôi đều được miễn tiền xe đi lại và tiền ăn nghỉ”.

Theo thông tin PV Tiền Phong có được, tại Thanh Hóa, tình trạng các cơ sở KCB đi vận động người có thẻ BHYT để KCB BHYT diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, gần đây, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa mới phát hiện. Các cơ sở KCB thuê xe khách đưa, đón người có thẻ BHYT (chủ yếu là những người có thẻ BHYT thuộc các nhóm đối tượng không cùng chi trả) từ các huyện Triệu Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Thạch Thành, Bá Thước… với số lượng lớn đến KCB tại nhiều bệnh viện (BV) như: BV Đa khoa Thanh Hà, BV Đa khoa ACA, BV Đa khoa Hàm Rồng, BV Mắt Bình Tâm, BV Mắt Bắc Trung Nam, BV Tâm Đức Cầu Quan, Phòng khám 123 Môi… Các xe chở người đến tận BV. Các cơ sở y tế này trả tiền vận chuyển cho nhà xe, tiền bồi dưỡng cho những cá nhân đi vận động người có thẻ BHYT đến khám bệnh; miễn phí tiền ăn, nghỉ cho bệnh nhân và người nhà....

Theo cơ quan chức năng Thanh Hóa, đây là một hành vi có tổ chức, có hệ thống, có chủ đích nhằm khai thác và trục lợi Quỹ BHYT. Đặc biệt, có dấu hiệu móc ngoặc, thông đồng giữa cơ sở KCB BHYT với cán bộ BHYT. Để ngăn chặn, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ngay lập tức yêu cầu cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp như: Công khai thông tin cá nhân, cơ sở vi phạm chính sách BHYT; điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở KCB có vi phạm; tạm dừng hợp đồng đối với những cơ sở KCB vi phạm.

Tại Bắc Giang, BHXH tỉnh này cho biết, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2016, Quỹ KCB BHYT bội chi gần 80 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đặc biệt, có những đơn vị như Bệnh viện Phục hồi chức năng tăng gần 3.000% số lượt người đến KCB, chi phí tăng gần 1.800%; hay Phòng khám đa khoa Anh Quất (huyện Tân Yên) tăng gần 2.800 lượt KCB với chi phí tăng gần 6.300% so với cùng kỳ năm trước...

Đặc biệt, tại Bệnh viện Y học cổ truyền Lan Q (có trụ sở tại TP Bắc Giang) đã áp dụng hình thức khá lạ để tăng số lượng người đến KCB bằng cách “gom” người để khám theo từng đợt. Theo đó, bệnh viện này kết hợp với các Hội Người cao tuổi ở các địa phương vận động các cụ già đi KCB theo đợt và chi hỗ trợ 120.000 đồng/người đến KCB. Trong đó, hỗ trợ cho Hội Người cao tuổi ở các huyện là 20.000 đồng/người bệnh; Hội Cao tuổi cấp xã 20.000 đồng/người bệnh; Chi hội người cao tuổi ở thôn 20.000 đồng/người bệnh và tiền xe ô tô vận chuyển là 60.000 đồng/người bệnh. Với “cách làm sáng tạo” này, Bệnh viện Y học cổ truyền Lan Q có mức tăng lượt KCB nội trú lên 135% với mức chi phí tăng đến hơn 1.200% so với cùng kỳ năm trước, tổng số tiền vượt quỹ sau khi đã trừ chi phí tăng giá dịch vụ y tế gần 3,4 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chánh văn phòng BHXH Bắc Giang, tình trạng trên phản ánh sự bất bình thường trong hoạt động KCB. “Sau khi rà soát, chúng tôi đã từ chối thanh toán hơn 1 tỷ đồng đối với Bệnh viện y học cổ truyền Lan Q”, bà Hiền cho biết.

Bà Hiền cũng cho biết, hầu hết các đơn vị KCB trên địa bàn tỉnh, Quỹ KCB BHYT đều tăng. Hiện, BHXH Bắc Giang đang tăng cường công tác giám định đối với các cơ sở có chi phí phát sinh lớn, bội chi Quỹ KCB BHYT, kiểm soát chặt KCB thông tuyến, bố trí cán bộ giám định thường trực tại tất cả các đơn vị y tế có số tăng Quỹ BHYT bất thường, lập biên bản vi phạm đối với các trường hợp vắng mặt.

Chuyển công an điều tra

Ngày 13/9, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, thời gian qua, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ KCB BHYT có chiều hướng gia tăng tại cơ sở y tế dẫn đến Quỹ KCB BHYT được sử dụng trong 6 tháng đầu năm 2016 tại nhiều địa phương bị bội chi. Một số tỉnh, thành phố có số tiền vượt Quỹ KCB BHYT tới hàng trăm tỷ đồng, ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chính sách BHYT tại các đơn vị, địa phương và quyền lợi của người tham gia BHYT.

Theo ông Sơn, để kịp thời kiểm soát tốc độ gia tăng chi phí KCB BHYT, hạn chế tình trạng bội chi Quỹ KCB BHYT năm 2016, BHXH Việt Nam đã yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc rà soát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng Quỹ KCB BHYT; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi nhằm sử dụng hiệu quả Quỹ KCB BHYT, bảo đảm quyền và lợi ích của người tham gia BHYT.

Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, để ngăn chặn trục lợi Quỹ KCB BHYT, lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố cần phân tích, đánh giá đầy đủ tình trạng gia tăng chi phí và mất cân đối Quỹ KCB BHYT 6 tháng đầu năm 2016, dự báo cả năm 2016 để báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố. “Cần tập trung đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan, các yếu tố tác động và kiến nghị, đề xuất các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng lạm dụng Quỹ KCB BHYT và đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT”, bà Minh nói.

Theo tin từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Trà Vinh, tính đến cuối tháng 8/2016, tổng số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh lên đến 94,2 tỷ đồng. Trong đó, các đơn vị sử dụng lao động nợ 25,18 tỷ đồng, 69,1 tỷ đồng còn lại nợ ngân sách. Trong khoản nợ ngân sách, nợ BHXH 21,4 tỷ đồng (nợ dưới 1 tháng hơn 4 tỷ đồng, nợ từ 01 tháng đến dưới 6 tháng 13,4 tỷ đồng, nợ từ 6 tháng trở lên gần 4 tỷ đồng) và nợ BHTN trên 1 tỷ đồng, nợ BHYT trên 71,7 tỷ đồng.
Công Thành

Tác giả bài viết: Phong Cầm - Hoàng Lam -Nguyễn Trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP