Xe

Nước làm mát xe hơi bao lâu phải thay một lần?

Nước làm mát động cơ ô tô kém chất lượng sẽ làm giảm hiệu quả làm mát và gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của động cơ cũng như các cụm cao su, dây điện,… phía dưới nắp ca-pô.

Nước làm mát ô tô cần được kiểm tra thường xuyên và bổ sung kịp thời - Ảnh minh hoạ

Một chi tiết tưởng chừng đơn giản và ít người để ý đến trong quá trình sử dụng xe, nhưng nước làm mát động cơ lại có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng vận hành cũng như tuổi thọ của nhiều bộ phận trên một chiếc xe.

Chất lượng nước làm mát kém, đồng nghĩa với việc hiệu quả làm mát động cơ giảm, khiến động cơ bị nóng thậm chí quá nhiệt trong quá trình vận hành. Điều này có thể làm cho các gioăng phớt trong động cơ và các bộ phận nằm dưới nắp ca-pô bị nhiệt tác động làm hư hại, gây thiệt hại lớn cho chủ sở hữu xe.

Duy trì đúng mức dung dịch nước làm mát và thay thế hoặc bổ sung khi cần thiết chính là vấn đề sống còn đối với động cơ và tuổi thọ của toàn chiếc xe. Nước làm mát động cơ không phải là loại nước lọc dùng trong sinh hoạt hàng ngày mà là chất lỏng chuyên dụng với thành phần chính là nước tinh khiết kết hợp với ethylene glycol có tác dụng truyền dẫn nhiệt và các chất phụ gia chống bay hơi, ăn mòn.

Khuyến cáo từ các nhà sản xuất, người sử dụng nên kiểm tra bình chứa nước làm mát động cơ thường xuyên để chắc chắn mực nước luôn ở trong giới hạn an toàn và bình chứa không bị rò rỉ. Sau khoảng 40.000 km vận hành, nên thay nước mát mới và chu kỳ lặp lại với quãng đường di chuyển tương tự.

Trên tất cả các xe đều có đèn báo nhiệt độ. Khi đèn này bật sáng, chắc chắn hệ thống làm mát của xe đang gặp vấn đề và cần kiểm tra lập tức bình chứa nước làm mát và dầu máy.

Quá trình lựa chọn nước làm mát cần lưu ý đến 3 loại phổ biến gồm nước làm mát màu xanh, màu hồng (SLLC) và màu đỏ (LLC).... Sự khác biệt là bởi các phụ gia hoà cùng dung dịch chính. Với loại nước xanh và màu hồng, người dùng không cần pha trộn mà đổ trực tiếp vào bình chứa, trong khi đó nước màu đỏ cần được pha trộn với nước lọc theo tỉ lệ 50:50.

Không nên trộn các dung dịch làm mát lại với nhau, nên pha thêm dung dịch làm mát cùng màu với dung dịch mà động cơ đang sử dụng trong những lần bảo dưỡng.

Nước lọc hay những loại nước dùng trong sinh hoạt tự nhiên chứa nhiều tạp chất khác nhau như cặn đá vôi, kim loại... Do đó, khi vào hệ thống làm mát ở nhiều độ cao có thể khiến cặn đóng ở két nước, giảm hiệu suất tản nhiệt. Nước khoáng đóng chai cũng không an toàn vì vẫn có chứa chất có thể gây đóng cặn.

Tác giả: Minh Quang

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP