Trong nước

Nữ Tổng giám đốc BHXH: Mỗi lần được khen là rất áp lực

Sáng nay, Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra tại BHXH Việt Nam về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết, đây là buổi làm việc thứ 58 của tổ kể từ khi được thành lập (tháng 8/2016).

Tổ công tác khảo sát tại trung tâm Vận hành hệ thống công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng khen 5 vấn đề

Ông chuyển lời khen ngợi, đánh giá cao của Thủ tướng về 5 vấn đề tới BHXH Việt Nam và Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thị Minh.

Trong đó phải kể đến việc BHXH là một trong những đơn vị cải cách sớm nhất, sớm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, chia sẻ thông tin, giám sát việc thanh toán, chi trả bảo hiểm.

Cụ thể, hệ thống CNTT được triển khai từ TƯ tới 63 tỉnh, thành phố, 709 huyện và tất cả các cơ sở y tế. Đã giảm mạnh thời gian nộp BHXH của các DN từ 335 giờ/năm xuống còn 45 giờ, giảm từ 115 bộ thủ tục hành chính xuống còn 28 bộ.

“Quan trọng nhất là tạo minh bạch, rất rõ ràng trong quản lý điều hành và đặc biệt mang tính chất phục vụ với người dân, người đóng bảo hiểm, kiểm soát cơ sở khám chữa bệnh để chống những kẽ hở có thể lợi dụng trong thanh toán...”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, dư luận trước đây nói nhiều về tiêu cực trong thanh toán bảo hiểm, nhưng giờ giảm rất nhiều.

Cùng với đó, Tổ công tác nêu 5 vấn đề Thủ tướng lưu ý để BHXH tiếp tục làm tốt hơn, trong đó có việc tổ chức, sắp xếp bộ máy; phát triển rộng hơn nữa đối tượng tham gia BHXH; tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng để tránh việc mất cân đối quỹ BHXH; kiểm soát, giám sát tự động trong chi bảo hiểm để giảm thiểu trục lợi quỹ…

Nói về việc kết nối, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ Nguyễn Đình Cung cho rằng, một số nơi thực hiện tốt Chính phủ điện tử nhưng lại tắc khi kết nối lên các bộ, ngành vẫn phải giấy tờ, vẫn phải mang “lên TƯ”.

“Tôi đề nghị Văn phòng Chính phủ đã làm rất tốt thì ép các bộ để kết nối, vì còn rất nhiều thủ tục ở dưới địa phương nhưng thẩm quyền xử lý là ở TƯ”, ông Cung nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số và nền kinh tế số hiện còn thiếu rất nhiều. Các bộ, ngành phải có thiết kế chi tiết đồng thời phải xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt là về dân cư.

"Rất áp lực khi được khen"

Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh bày tỏ: "Mỗi lần được khen rất là áp lực, để lần sau các đồng chí đến chúng tôi tiến bộ hơn lần này”.

Theo bà Minh, BHXH làm được như vậy là vì hành lang pháp lý QH yêu cầu rất rõ, 2018 phải giao dịch điện tử, trước 2020 phải kết thúc việc cấp thẻ y tế điện tử, phải kết nối liên thông dữ liệu…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

“Yêu cầu thứ hai là yêu cầu tự thân. Định biên của chúng tôi xác định là 27 nghìn cán bộ, nhưng thực tế chỉ là 20,5 nghìn. Cán bộ BHXH có một giai đoạn làm đến 9-10h đêm, làm cả thứ bảy, chủ nhật. Lãnh đạo thì bây giờ vẫn tiếp tục, nhưng hy vọng 1, 2 năm nữa sẽ đỡ hơn”, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam giải thích.

Bà cũng thông tin thêm, trước áp lực như vậy, nhưng ngành cũng chỉ nhận lương hệ số 1,8 nên thời điểm 2009 có hơn 1.000 cán bộ bỏ việc.

“Vì vậy nếu không cải cách thì mình chết”, bà Minh nhấn mạnh.

Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng chia sẻ vấn đề mà ngành rất lo lắng là phát triển đối tượng tham gia BHXH. Gần đây kết quả rất tốt, mới tiếp cận 9.500 người thì có hơn 3.000 người tham gia và đang cố gắng làm nhưng đây cũng là áp lực.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP